(Tiếp theo kỳ trước)
II. Những nội dung đề nghị bổ sung sửa đổi cụ thể.
1- Phần mở đầu
Đề nghị xác định ngày 6-12 là Ngày truyền thống của Hội CCB Việt Nam, thay cho việc xác định là Ngày truyền thống của CCB Việt Nam trong Điều lệ Hội hiện hành. Vì ngày 6-12-1989 là ngày Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội CCB Việt Nam, nên ngày đó nên lấy là ngày truyền thống của Hội CCB Việt Nam là phù hợp; mặt khác ngày truyền thống thường được dùng cho các tổ chức (cơ quan, đơn vị, địa phương), hoặc gia đình, dòng họ… Còn cá nhân một con người cụ thể thường dùng là tiểu sử để chỉ quá trình công tác, cống hiến.
-
Về nhiệm vụ của Hội
Đề nghị bổ sung nội dung: “Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các ngành chức năng cùng cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập hợp, động viên CQN tham gia sinh hoạt trong các CLB, Ban liên lạc CQN, nhằm tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở”, vào cuối nhiệm kỳ thứ ba. Bổ sung như vậy cho phù hợp với Kết luận số 66-KL/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về công tác CCB trong tình hình mới. -
Về hội viên. Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
1.1 Về đối tượng kết nạp vào Hội.
Có 5 loại ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi như sau:
Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị bổ sung đối tượng: Hạ sĩ quan, chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành về địa phương và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp rèn luyện phấn đấu tốt được địa phương và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam là đối tượng được xem xét kết nạp vào Hội.
Vì: Thực tiễn hiện nay ở nhiều địa phương và ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhiều đồng chí là hạ sĩ quan, binh sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương hoặc chuyển ngành về các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp rèn luyện phấn đấu tốt được địa phương, cơ quan, doanh nghiệp kết nạp vào Đảng, trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, như: Bí thư, chủ tịch, cán bộ phòng, ban cơ quan… nhưng chưa được xác định là đối tượng kết nạp vào Hội.
Nay đề nghị đưa đối tượng này trở thành đối tượng được xem xét kết nạp vào Hội, nhằm tăng thêm nguồn kết nạp hội viên cho các tổ chức Hội, nhất là ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Mặt khác nếu thu hút được đối tượng này vào Hội sẽ tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương và của cơ quan, đơn vị đối với công tác CCB, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Hội hoạt động có hiệu quả tốt hơn.
Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng đối với đối tượng là hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ về định cư tại các xã, huyện miền núi là đối tượng được xem xét kết nạp vào Hội (đối tượng thứ 6 trong Điều lệ Đại hội V) trong phạm vi toàn tỉnh miền núi chứ không chỉ giới hạn trong phạm vị cấp xã, cấp huyện miền núi như quy định của Điều lệ hiện hành.
Vì: Hiện nay ở nhiều địa phương miền núi (kể cả ở thị trấn, thị xã) tỷ lệ thanh niên được gọi nhập ngũ hàng năm rất ít, một số địa phương nhiều năm liền không có chỉ tiêu tuyển quân, nên nguồn cho công tác phát triển hội viên hết sức hạn hẹp, cá biệt có xã (Lai Châu) hiện nay chỉ có 7 hội viên. Nếu không mở rộng phạm vi áp dụng đối với đối tượng này thì nguy cơ xã ở một số địa phương miền núi không đủ điều kiện để thành lập tổ chức Hội sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần. Do vậy, cần mở rộng phạm vi áp dụng đối với đối tượng này trong phạm vi toàn tỉnh miền núi.
(còn nữa)
Ban Tổ chức-Chính sách