Trận chiến sân bay Téc Níc và mối tình “ủy nhiệm” đặc biệt của một cựu chiến binh

HOÀNG THANH – PHƯƠNG NGỌC 17/07/2025 - 18:11

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2025), lần đầu tiên câu chuyện đặc biệt của cựu chiến binh Đặng Sỹ Thanh ở thôn Minh Thuận, xã Minh Sơn (Thanh Hóa) được kể lại - không chỉ là hồi ức về một cuộc chiến oai hùng mà còn là bản anh hùng ca về tình đồng đội, nghĩa tình son sắt trong lửa đạn.

Ký ức trận chiến sân bay Téc Níc và nỗi niềm người ở lại

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước hân hoan chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giữa cờ hoa rực rỡ và những tiếng hát vang khúc quân hành bất tận, có một cựu chiến binh già lặng lẽ cúi đầu trước tấm bia tổ quốc ghi công. Ông là Đặng Sỹ Thanh (sinh 1950), cựu chiến binh Đại đội 18, Trung đoàn 2 (Đoàn Đồng Xoài), Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, người sống sót trở về từ chiến địa khốc liệt sân bay Téc Níc hơn nửa thế kỷ trước.

anh-ccb-2-2145
CCB Đặng Sỹ Thanh ngồi tâm sự về những ngày chiến đấu cùng đồng đội ở Sân bay Téc Níc

 Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, tóc bạc, mắt mờ, nhưng giọng cựu chiến binh Đặng Sỹ Thanh vẫn nguyên vẹn xúc động khi nhắc tới những đồng đội liệt sĩ, đặc biệt là liệt sĩ Nguyễn Văn Bính, người đồng đội, người anh cả, người bạn đã nằm lại nơi trận địa ngày ấy.

“Anh Bính ơi... Đất nước mình đã hòa bình tròn nửa thế kỷ rồi, còn anh... đã đi xa 53 năm. Bao mùa mưa nắng trôi qua, nhưng mỗi lần nghe hai tiếng “Tổ quốc”, tôi lại thấy gương mặt anh, lại nghe tiếng anh cười trong gió...”, cựu binh Đặng Sỹ Thanh nghẹn ngào.

Câu chuyện của ông không chỉ là ký ức, mà còn là chứng tích sống động về một thời oanh liệt – khi tiếng súng chưa bao giờ ngớt, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

Năm 1972, chiến sự miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt. Sau khi quân đội ta mở Chiến dịch Nguyễn Huệ, đánh sâu vào thị xã Bình Long (nay là Hớn Quản, Bình Phước), địch điên cuồng phản kích, tung cả Sư đoàn 5 Ngụy, cùng lính dù, thiết giáp và pháo binh bảo vệ cửa ngõ tiến về Sài Gòn.

Sân bay Téc Níc - vị trí then chốt - trở thành tử địa. Đại đội 18 của ông Thanh, từ 4 khẩu 12,7mm, dồn quân số chỉ còn đủ vận hành một khẩu, vừa chống máy bay, vừa đánh bộ binh mặt đất bảo vệ sườn cho Tiểu đoàn 27 Trinh sát Sư đoàn.

“Địch quá đông, chiếm toàn bộ cổng sân bay Téc Níc. Ta phải giãn ra, bảo toàn lực lượng”, ông Thanh kể.

Khẩu đội của anh Nguyễn Văn Bính lúc đó chỉ còn lại một khẩu 12,7mm duy nhất. Ban ngày đơn vị căng mình chống trả từng đợt tiến công, đêm xuống âm thầm bồi đắp chiến hào, chuyển đạn trong bóng tối.

Đầu tháng 6-1972, giữa trời nắng như đổ lửa, bầu trời Bình Long nghẹt thở. Sau nhiều lượt trinh sát, máy bay địch bất ngờ thả bom trúng sát trận địa. Khi khói bụi tan đi, hầm pháo biến mất trong một hố bom sâu hoắm.

Tối đó, ông Thanh và đồng đội lặng lẽ đào bới trong nỗi đau xé lòng. Họ tìm được thi thể anh Giá, cơ thể gãy nát; rồi đến anh Bính, thân thể còn nguyên nhưng cánh tay và đôi chân đã gãy lìa. Trong túi áo anh vẫn còn chiếc cờ lê để siết then hãm nòng pháo, như thể chưa kịp rời tay khỏi trận địa.

“Tôi đã ôm anh Cả Bính từ dưới hố bom lên, đã khóc như một đứa trẻ. Đến nay, sau 53 năm, tôi vẫn khóc. Các cháu tôi thấy vậy lại gọi: “Bà ơi, ông lại khóc rồi”... Nhưng làm sao không khóc, khi tôi đã sống thay anh suốt ngần ấy năm?”, ông Thanh xúc động kể.

Mối tình “ủy nhiệm” giữa bom đạn chiến tranh

Giữa những tháng ngày trên tuyến lửa, sau mỗi trận đánh, anh Bính nhiều lần tâm sự với ông Thanh về chuyện gia đình. Là con trưởng, lấy vợ theo ý cha mẹ chỉ ba tuần trước ngày nhập ngũ, anh luôn trăn trở: “Nếu tớ hy sinh, mày thay tớ... tìm đến nhà, giúp tớ làm tròn chữ tình với vợ tớ nhé...”.

Một lời gửi gắm, cũng là một trọng trách nặng nề. Nhưng chiến tranh không cho ai kịp thực hiện những lời hứa. Sau khi nhận giấy báo tử cuối năm 1972, gia đình đã tổ chức cho vợ anh Bính, chị Nguyễn Thị Thê, đi bước nữa.

anh-ccb-5-2150

Cựu chiến binh Đặng Sỹ Thanh luôn giữ bức thư đặc biệt của mình với liệt sĩ Bính suốt 53 năm.

“Tôi chưa một lần đến gặp chị Thê. Không phải vì tôi quên, mà vì tôi sợ... Sợ ánh mắt người góa phụ, sợ đối diện với ký ức ấy, và sợ chính mình không đủ sức thực hiện lời hứa với anh Bính”, ông Thanh ngậm ngùi.

 Ba năm sau, cuối tháng 5-1975, tại Ty Cảnh sát thị xã Hậu Nghĩa (Long An), ông Thanh - lúc này là quyền Đại đội trưởng C42 tình cờ gặp những tân binh mới quê Hà Bắc, trong đó có anh Nguyễn Văn Tuyên, là cháu họ của liệt sĩ Bính.

Từ lời kể của Tuyên, ông Thanh biết tin: chị Thê đã đi bước nữa. Một nỗi nấc nghẹn dâng lên, bóp nghẹt tim ông. Một lời dặn trao nhau giữa lằn ranh sinh tử, nay chỉ còn là một sợi chỉ mỏng manh trong ký ức.

Một tượng đài vĩnh cửu

“Anh Bính ơi, chị Thê giờ đã là bà nội, bà ngoại. Cuộc sống của chị yên ổn, viên mãn. Còn tôi, cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, đã nghỉ chế độ, có cháu nội cháu ngoại đầy đàn. Nhưng sâu thẳm trong tôi, vẫn luôn là người lính mang theo lời hứa năm nào...”, ông Thanh tâm sự.

Chúng tôi lặng người khi nghe ông nhắc về người đồng đội cũ. Không hoa mỹ, không bi lụy, chỉ là một lời tiễn biệt âm thầm mà sâu sắc.

anh-ccb-3-2148
CCB Đặng Sỹ Thanh ngồi bên cháu nội, mỗi lần kể lại ký ức cuộc chiến sinh tử các cháu lại mách bà: "Bà ơi, ông nội lại khóc rồi"

“Anh đã vào cõi âm, còn tôi và chị Thê, cùng bao người còn sống – đang được chứng kiến đất nước đổi thay từng ngày. Đó là thành quả của xương máu các anh. Sân bay Téc Níc, nơi anh nằm xuống, hôm nay đã xanh cỏ. Nhưng với tôi, đó mãi là một tượng đài, nơi tôi gửi lại cả một thời tuổi trẻ oai hùng, một lời hứa chưa thành và một người anh mãi mãi không trở về”.

anh-ccb-1-2152
Rất nhiều phần thưởng cao quý về những chiến công của mình được CCB Đặng Sỹ Thanh cất giữ cẩn thận

Đọc tiếp

Mới nhất

Trận chiến sân bay Téc Níc và mối tình “ủy nhiệm” đặc biệt của một cựu chiến binh