4 thể theo y học cổ truyền
Theo lương y Phạm Như Tá (TP. Hồ Chí Minh): thiểu năng tuần hoàn não thường gặp ở người trung niên trở lên, đặc biệt hay gặp ở người lao động trí óc, và ở nam nhiều hơn nữ. Bệnh có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, nhưng cùng chung cơ thể sinh bệnh là thiếu máu đưa đến nuôi não. Việc thiếu máu não sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với hệ thần kinh trung ương. Nếu ngừng tuần hoàn não khoảng 6-7 giây sẽ bị ngất, ngừng khoảng 5 phút thì tế bào não sẽ chết, không hồi phục được. Biến chứng do thiểu năng tuần hoàn não gây ra gồm: nhũn não, xuất huyết não, liệt nửa người, hay có thể tử vong đột ngột.
Y học cổ truyền chia loại bệnh này với các thể như sau: thể “Can dương thượng cang” – biểu hiện: chóng mặt, ù tai, đầu có lúc đau căng, khi tức giận thì đau tăng hơn, ngủ ít, hay mơ, hay tức giận, miệng đắng, lưỡi đỏ… Còn thể “Khí huyết đều hư” thì có triệu chứng như: chóng mặt, hoa mắt, sắc mặt nhợt nhạt, môi nhạt, móng tay móng chân nhạt, hồi hộp, mất ngủ, mệt mỏi, biếng ăn, lưỡi nhợt… Thể “Thận tinh bất túc” có biểu hiện: đầu váng, người mệt mỏi, hay quên, lưng đau, gối mỏi, tai ù, mất ngủ, di tinh, chân tay lạnh, lưỡi nhạt. Nếu thiên về âm hư thì lòng bàn tay, bàn chân nóng, lưỡi đỏ… Nếu thiên về dương hư thì chân tay lạnh.. Thể “Đờm trọc trung trở” có triệu chứng: chóng mặt, nặng đầu, đầy bụng, buồn nôn, ăn ít, hay ngủ li bì, lưỡi trắng.
Bài thuốc chữa trị
Với mỗi thể bệnh, theo lương y Phạm Như Tá, y học cổ truyền có phép trị khác nhau. Chẳng hạn, thể “Can dương thượng cang” phép trị là bình can, tiền dương, thanh hỏa, dùng bài gồm các vị thuốc: câu đằng, sơn chi, ngưu tất, phục thân, tang ký sinh, ích mẫu thảo (mỗi vị 20g và 8g thiên ma).
Nếu thể “Khí huyết đều hư” thì dùng phép trị “Bồi dưỡng khí huyết, kiện vận tỳ vị”, dùng bài thuốc “Quy tỳ thang gia giảm”, gồm các vị: hoàng kỳ, nhân sâm, long nhãn, bạch truật (mỗi vị cùng 10g), hổ phách, thần sa, viễn chí, toan táo nhân, đường quy (mỗi vị 4g), mộc hương, cam thảo (cùng 2g) và 8g bạch linh, tất cả đem sắc uống. Nếu thiên về hư hàn ,chân tay lạnh, tiêu lỏng thì thêm nhục quế, cùng 160g thục địa, 40g sơn thù, đem tán bột, làm thành viên hoàn. Ngày dùng 16-20g. Hoặc dùng bài “Tri bá địa hoàng hoàn”, gồm các vị: đơn bì, trạch tả, phục linh (mỗi loại 120g), hoàng bá, tri mẫu (mỗi loại 80g), thục địa 320g, sơn thù 160g, sơn dược (mỗi loại 160g), đem tán bột, làm viên hoàn, ngày dùng 12-16g.
Với thể “Đờm trọc trung trở” thì dùng bài “Bán hạ bạch truật thiên ma thang”, gồm các vị: thiên ma, bán hạ chế, trần bì (mỗi vị 8g), bạch truật, phục linh (mỗi vị 12g) và 4g cam thảo.
Cách sắc (nấu) những bài thuốc trên như sau: lần một, cho các vị thuốc cùng 4 chén nước, nấu còn lại 1 chén; lần hai, cho vào 3 chén nước, nấu còn lại nửa chén, hòa nước với hai lần lại chia làm 3 lần dùng trong ngày.
Bên cạnh đó, cần có chế độ nghỉ ngơi, làm việc điều độ, và thường xuyên tập luyện để đề phòng bệnh.
Hạ Mai