Nhìn thấy cảnh gia đình khó khăn, sống giữa một làng quê đất chật người đông, quanh năm chỉ biết nhìn vào mấy sào ruộng khoán, ông thật chạnh lòng. Đúng vào thời điểm đó, xã đang có chủ trương đưa bà con nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ông xung phong đưa cả gia đình và động viên bà con thân thích đi. Khu chợ Sim, cách trung tâm xã Cổ Đạm không xa, nhưng lại nằm sát cạnh sườn núi, từ lâu được coi là vùng “ rừng thiêng nước độc”. Hơn 50 hộ dân theo gia đinh ông đi lập nghiệp nhưng bước đầu không chịu nỗi cảnh sốt rét, bệnh tật, túng thiếu nên không ít gia đình quay về chốn cũ. Còn ông và một số Đảng viên vẫn kiên cường bám trụ, quyết khai sinh ra một làng quê mới ở xã Cổ Đạm.
Sau khi ổn định chổ ở, ông nghĩ đến công ăn việc làm. Ông tìm đến xã Thuận Lộc ( Thị xã Hồng Lĩnh ) nơi có nghề làm gạch nổi tiếng để học hỏi kinh nghiệm làm gạch, sau đó ông thuê thợ đúc gạch đóng ngói, sản xuất vật liệu xây dựng tại chỗ. Nhưng vì không có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra tiêu thụ kém, thua lỗ đến mấy chục triệu đồng. đó là vào năm 1991. Không chịu bó tay đầu hàng nghèo đói, ông lại khăn gói lên các huyện Miền núi Hương Sơn, Hương Khê học nghề nuôi hươu. Thời gian đầu Hươu có giá, bán được, về sau do không cạnh tranh nổi thị trường, ông lại … “ sập Hươu”, và lần này con nợ lên tới 50 triệu đồng. Thất bại trong kinh doanh đã làm cho ông căng thẳng, vết thương ở sọ não lại dày vò, tái phát liên tục. Không phải lo vì nợ nần mà cái chính là chưa đem lại lòng tin cho gia đình và bà con ở vùng kinh tế mới.
Với bản chất truyền thống của Anh “ Bộ đội Cụ Hồ “ ông vẫn nuôi ý chí làm giàu trên mảnh đất nghèo. Thế rồi, sau bao đêm nằm suy nghĩ, ông lại khoác ba lô xin phép vợ con xa nhà 3 tháng trời ròng rã. Ông đi từ Hà Tĩnh vào tận Huế, rồi trở ra Hà Nội, tìm đến những đồng đội cũ, những người đã một thời vào sinh ra tử cùng ông. Anh em nhiệt tình tư vấn cho ông tổng cộng đến 8 nghề. Trong đó ông tâm đắc nhất là nghề trồng cây cảnh. Nghề này không những đem lại thu nhập, mà còn góp phần phủ kín màu xanh làm đẹp cho quê hương. Trở về, ông đem ý tưởng đó bàn với gia đình, anh em bà con lối xóm, bước đầu không được mấy ai đồng tình vì họ cho rằng khó khăn về vốn liếng, cây giống, lại không có kỹ thuật thì sớm muộn cũng tiếp tục… thất bại. Để vợ con tin tưởng, ông quyết định đưa cả gia đình ra tham quan một số mô hình cây cảnh ở Thành phố Vinh, đồng thời động viên cả nhà học tập kiến thức nhà nông trên kênh truyền hình, những kinh nghiệm hay trong cuốn “ Thông tin nội bộ CCB”. Thêm vào đó được các cấp hội động viên giúp đỡ, dần dần vợ con đã hiểu và ủng hộ. Từ đó ông bắt đầu trồng các loại cây cảnh. Cùng với thời gian, cây không phụ lòng người cứ lớn dần lên tươi tốt. Niềm vui sau mỗi ngày ra vườn nhổ cỏ, bắt sâu, tỉa cành đã làm cho không khí cả gia đình càng đầm ấm gắn bó. Qua những lứa cây đầu tiên thành công trong mong đợi, ông tự tin hơn. Tiếp tục mở rộng diện tích vườn tược, đầu tư mua sắm trang thiết bị, tìm tòi học hỏi và vận dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Từ chỗ phải nuôi cây giống, ông chuyển sang ươm mầm cây, vừa cho lãi suất cao, vừa chăm sóc được như ý muốn. Đến năm 2001, nhờ thu nhập từ cây cảnh ông Hữu đã trả được hết nợ nần, lấy lại được lòng tin trong gia đình. Kết quả đó càng thôi thúc ông say mê với nghề cây cảnh. Hiện tại ông có hơn 100 chủng loại cây xanh, cây cảnh, cây ăn quả, trồng được 45 công trình lớn nhỏ, có doanh thu gần 300 triệu đồng hàng năm. Ngoài các thành viên trong gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều con em các gia đình CCB. Thường xuyên có 2 lao động chuyên nghiệp với mức lương bình quân từ 1.500 - 1.800 ngàn đồng/ tháng và 29 lao động theo thời vụ để chăm sóc cây cảnh, công thời vụ 50 ngàn đồng/ ngày. Tổng trị giá tài sản của ông hiện nay trên 1 tỷ đồng.
Không những làm giàu cho gia đình mình, ông Hữu còn giúp đỡ nhiều gia đình anh em CCB ở xã Cổ Đạm phát triển kinh tế, xóa được đói, thoát được nghèo, xây dựng nên một làng quê giàu đẹp. Nhiều mô hình trồng cây cảnh tiếp tục được ra đời. Trong mấy năm gần đây, cây cảnh của gia đình CCB Hoàng Quang Hữu đang vươn ra thị trường trong Tỉnh và một số Tỉnh bạn.
Giờ đây, có dịp đến xã Cổ Đạm công tác, nhìn thấy các cây cảnh được trồng trước tiền sảnh của cơ quan, đơn vị, công sở, nhà trường… với rất nhiều chủng loại cùng một màu xanh áo lính, ai cũng tự hào bởi đó là sản phẩm cây cảnh của CCB, thương binh Hoàng Quang Hữu, người đã ươm mầm xanh cho làng quê Cổ Đạm.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi