CCB Trần Như Tiếp (thứ tư trái sang) trong Đoàn đại biểu T.P Đà Nẵng dự Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, ngày 11-6-2023.
Cán bộ, hội viên CCB phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, T.P Đà Nẵng không ngạc nhiên về việc thành phố chọn CCB Trần Như Tiếp đi dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, ngày 11-6, tại Thủ đô Hà Nội. Bởi ông Tiếp thật sự là người học tâp và làm theo gương Bác Hồ kính yêu hơn 20 năm qua, kể từ ngày ông nghỉ hưu về ở địa phương.
Đến thăm và trò chuyện cùng ông trong căn nhà đơn sơ nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Yên Bái vài ngày, trước lúc ông lên đường ra Hà Nội dự Hội nghị, tôi thật không ngờ, đã vào tuổi 87 rồi mà sức khỏe ông còn tốt như vậy! Mắt không mang kính, nói năng hoạt bát, đi đứng nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn.
Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về thời trai trẻ và trận mạc suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ bảo vệ Tổ quốc. Ông kể, quê ông ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lên 15 tuổi, ông đã tham gia kháng chiến chống Pháp, làm Quân tình nguyện trên đất bạn Lào. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Đầu năm 1962, ông xung phong vào Nam chiến đấu trên chiến trường Khu 5 đầy các liệt, gian khổ. Năm 1963, sau trận đánh thắng lợi ở Phú Gia (Quảng Nam), ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những năm tháng ác liệt của chiến trường Khu 5, hầu hết những chiến dịch lớn của Quân khu, của Mặt trận 4 Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đường 9 - Nam Lào, chiến trường Tây Nguyên..., ông đều có mặt, cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu kiên cường, lập nên những chiến công vang dội, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, ông công tác ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) sau đó về Phòng Tổng kết lịch sử, sau này là Phòng Khoa học - công nghệ Quân khu 5, với chức vụ Trưởng phòng. Năm 1997, ông nghỉ hưu về sống ở địa phương với quân hàm Đại tá.
Vừa khoác ba lô về quê, tưởng được nghĩ ngơi với vợ con, gia đình, nhưng trước yêu cầu của Cấp ủy địa phương và sự tin tưởng của anh chị em CCB, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB phường Hải Châu 1 trong 2 năm, tiếp đó làm công tác dân vận, mặt trận của phường thêm 8 năm liền. Đến năm 2007, lúc này đã 70 tuổi, ông xin nghỉ công tác ở phường.
Những tưởng chuyến này được nghĩ ngơi trọn vẹn, ai ngờ, về khu dân cư, Chi bộ bầu ông là Bí thư chi bộ khu dân cư số 10, tổ dân phố 15 với 37 đảng viên. Làm Bí thư chi bộ ở khu dân cư trên 100 hộ dân quả là không dễ dàng, thế mà ông trụ vững, làm tròn vai Bí thư chi bộ suốt 15 năm, đến 2022, ông chính thức nghỉ công việc và giờ chỉ còn chức Chi hội trưởng Chi hội CCB khu dân cư và Trưởng ban liên lạc Chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào.
Chỉ lướt qua thời gian và công việc mà ông trải qua, chúng tôi thật sự khâm phục về ý chí, trách nhiệm, tinh thần vượt khó, chịu đựng của người cán bộ, đảng viên, người CCB vừa tròn 60 năm tuổi Đảng. Với 71 năm liên tục, hết trong Quân đội, lại về địa phương (tính từ năm 1951 nhập ngũ đến 2022 nghỉ Bí thư chi bộ khu dân cư), ở cương vị nào, CCB Trần Như Tiếp cũng một lòng trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, luôn phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng, Quân đội giao phó.
Từ khi nghỉ hưu năm 1997, với vai trò Chủ tịch Hội CCB và 8 năm liền làm công tác mặt trận, dân vận của phường, ông Tiếp lặn lội đến từng khu dân cư, nắm bắt tình hình cơ sở, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo củng cố, kiện toàn các tổ chức đoàn thể chinh trị, vận động được hàng trăm triệu đồng từ các nhà hảo tâm để xây mới, sữa chữa nhà cho CCB khó khăn, những người nghèo, xây dựng quỹ “Khuyến học”, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng khu dân cư đoàn kết” và nhiều cuộc vận động, nhiều chương trình của thành phố như “5 không, 3 có”, thành phố “4 an”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới và đô thị văn minh”... 15 năm tiếp theo làm Bí thư chi bộ khu dân cư, Chi bộ được đánh giá là tổ chức Đảng học tập và làm theo gương Bác tốt nhất, Chi bộ thật sự đoàn kết, thống nhất, 100% đảng viên không vi phạm kỷ luật, ai nấy đều gương mẫu trong lối sống, được bà con tin yêu. Đặc biệt, 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, CCB Trần Như Tiếp cùng CCB, đảng viên trong Chi bộ, Ban điều hành tổ dân phố không quản ngại khó khăn đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương, vận chuyển, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh. Từ những việc làm cụ thể, sát dân và hiệu quả nên bà con khu dân cư rất thương, quý người CCB già, người Bí thư chi bộ gương mẫu.
Bao công việc đè nặng lên vai người CCB già, nhưng ông luôn tâm niệm: “Dù ở vị trí nào, tôi luôn nghĩ đến mình là người đảng viên, người CCB phải nêu cao tinh thần, ý chí học tập và làm theo gương Bác, luôn hoàn thành trách nhiệm được giao. Năm nay tôi đã 87 tuổi rồi, còn khả năng bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, còn sức khỏe còn làm”. Cảm ơn những tâm niệm của người CCB Trần Như Tiếp đã tận hiến đến những năm tháng cuối đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
Nếu nói về những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các Bộ, ngành T.Ư, Hội CCB Việt Nam, của thành phố, quận, phường trao tặng cho ông suốt 71 năm qua thì không sao kể hết. Thời chiến, ông có đủ Huân chương Quân công, Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công; thời bình với hàng trăm Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương và gần đây, năm 2022, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
CCB Trần Như Tiếp thật sự là tấm gương sáng trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cả đời tô thắm cho hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ và CCB gương mẫu.
Bài và ảnh: Nguyễn Phát