
Năm 2006, anh Lê Văn Kỳ xuất ngũ và cùng gia đình chuyển từ quê hương xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá vào làm ở Nông trường Xa Cam, một trong những đơn vị điển hình của Công ty cao su Bình Long về năng suất và chất lượng mủ… Vốn tính cần cù, chịu thương chịu khó, anh và gia đình tích cực lao động sớm hôm chăm bón, cạo mủ cao su. Thấy anh cần cù và đã trải qua quân ngũ, lãnh đạo tín nhiệm điều động vào công tác tại đội bảo vệ nông trường. Tìm hiểu tình hình, anh Kỳ bức xúc lắm trước chuyện mấy năm qua, do mủ cao su được giá nên nhiều người thiếu ý thức đã lẻn vào rừng cao su của nông trường để trộm mủ, làm thiệt hại đến năng suất và sản lượng của công ty. Không chỉ tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân trong vùng, anh Kỳ cùng đồng đội còn kiên quyết bắt giữ những người cố tình lấy cắp của đơn vị. Trong các phiên trực, anh thường trèo lên cây cao để tầm quan sát được rộng hơn, rồi ăn mặc như dân thường đi chơi để các đối tượng trộm cắp khó phát hiện; đến khi phát hiện được đối tượng thì anh và các đồng đội kiên quyết vây bắt giao cho công an xử lý, tính đến nay đã được hàng chục vụ với số mủ lên đến hàng trăm ki-lô-gam… Nhờ những cố gắng hết lòng trong công việc của người CCB Lê Văn Kỳ và đồng đội trong đội bảo vệ, đến nay, tệ nạn lấy cắp mủ cao su ở Nông trường Xa Cam đã triệt giảm tối đa, ý thức bảo vệ của công của người dân đã được nâng cao rõ rệt, bảo vệ được tài sản công ty. Nhân dân trong vùng quý mến, gọi anh là “Anh Kỳ xung kích”.
Bài và ảnh: VŨ LÂM