Ông nguyên là đại úy, bác sĩ, chủ nhiệm quân y trung đoàn 3, Sư đoàn 341, về nghỉ hưu. Nặng tình quê hương, không để cán bộ địa phương động viên nhiều, mới về vài tháng bác sĩ Trưng nhận làm trưởng trạm y tế ngay.
Vào thăm trạm xá, nhìn vào bảng phân công trực nhật, thấy ngày đêm chủ nhật nào cũng có tên bác sĩ Trưng, hỏi tại sao vậy thì được ông trả lời: "Nếu không trực, khi có gì đột xuất, họ cũng vào tận nhà gọi ra, âu là ở lại trạm luôn cho tiện". Những đêm trực, ông dậy rất sớm. Mới 4 giờ đã thấy bác sĩ quét dọn nhà cửa, sân, ngõ sạch sẽ. Sáng ra, ông cầm kéo tỉa tót điểm tô hai hàng cây phi lao từ đường tỉnh lộ vào cổng trạm, rồi tưới phun cho bồn hoa, cây cảnh, vườn dược liệu. Cái vườn này ông đã dày công sưu tầm cây thuốc đưa về trồng để làm mẫu hướng dẫn nhân dân dùng chữa bệnh.
Là một xã nghèo, với 5.500 người dân đều có thẻ BHYT nên việc khám, chữa bệnh, điều trị nội - ngoại trú ở đây không khi nào ngớt. Lại còn nhận người ngoài xã đến điều trị nữa. Tình trạng thiếu giường, phải nằm đôi, nằm ba là chuyện thường. Nhiều lúc phải đến tận nhà riêng điều trị cho bệnh nhân già yếu, bác sĩ nhân viên vẫn phục vụ tận tình. Viện phí rẻ (chỉ 3.000/ngày, đêm); thiếu tiền thì cho chịu, người nghèo neo đơn và gia đình chính sách được miễn phí hoàn toàn. Nhiều bệnh nhân thấy bác sĩ Trưng chẩn đoán thế nào, khi lên tuyến trên chiếu chụp bằng phương tiện y học hiện đại, vẫn đúng như thế. Cũng có trường hợp điều trị ở tuyến trên không khỏi, họ đến đây chữa trị lại thôi. Do đó mà không ít người bị bệnh nặng, cứ nằng nặc xin ở lại điều trị tại trạm.
Bây giờ, 21 năm làm trưởng trạm, tuổi đã cao, sức khoẻ của bác sĩ Trưng cũng đã kém, bà con hỏi thăm thì ông cho biết: "Thôi thì cố gắng thêm được thời gian nào hay thời gian ấy. Nếu vì tiền, vì sự giàu có của gia đình, thì tôi đã ở nhà mở phòng khám chữa riêng, hoặc đi làm cho bệnh viện tư nhân với mức lương cao rồi". Một điều khó tin là phụ cấp lương tháng, hợp đồng suốt thời gian dài chỉ có 300.000 đồng, năm 2008 mới tăng lên 500.000 đồng. Thảo nào, đi đến đâu cũng nghe người ta ca ngợi bác sĩ Trưng là tốt thật, liêm khiết thật, một thầy thuốc giàu y đức Bác sĩ Nguyễn Đình Trưng đã được Sở Y tế, UBND tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen; Bộ Y tế tặng Huy chương "Vì sức khoẻ nhân dân", Tỉnh hội CCB Nghệ An tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng "Kỷ niệm chương". Và vinh dự biết bao, khi giữa đông đảo thầy thuốc của 43 xã, thuộc ngày y tế huyện Quỳnh Lưu về họp mặt, duy nhất chỉ có bác sĩ Nguyễn Đình Trung được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng danh hiệu "Gương sáng y đức".
HOÀNG NGỌC LAN