Tản văn của nhà văn Sương Nguyệt Minh
Mợ tôi vốn dân Hà Nội gốc hơn chục đời, sống ở Kim Liên. Duyên số ghép cậu mợ tôi thành cặp vợ chồng tính cách, cá tính trái ngược nhau hoàn toàn mà yêu thương nhau hết mực. Cậu tôi nhà quê một cục, bỏ làng sống ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn y nguyên thợ cày, ăn mặc “phiên phiến”… Mợ tôi thì lại nhẹ nhàng, nền nã.
Ngồi bán hàng khô ở chợ Ngô Sĩ Liên, nhưng mợ vẫn chải tóc bồng, búi đằng sau cài trâm. Áo cánh màu nâu nhạt là phẳng phiu, sạch sẽ, kín đáo. Dáng mợ cao, thanh mảnh. Lúc đi đám cưới, đi lễ thì mặc áo dài màu thiên thanh nhạt, cổ đeo vòng ngọc, nhìn rất sang.
Chỉ nói riêng về chuyện ăn: Cậu tôi vụng nấu nướng, ngại bày vẽ, chế biến cầu kì nên nấu kiểu nào, món nào ăn cũng được. Mợ tôi lại khá sành ẩm thực, lúc đình đám, giỗ, tết bao giờ mợ cũng dành lấy quyền nấu hoặc hướng dẫn con cháu làm. Nhìn bàn tay mợ cầm con dao bài nhỏ chẻ rau muống, sợi rau quăn như lò xo, chúng tôi cảm phục một cách thành kính. Còn nấu riêu cua thì không ai bằng. Mợ bảo: Riêu cua phải nấu với quả dọc vị không gắt, màu nước riêu đẹp; nấu với khế vị chua chói lói, nước riêu ngả màu xám. Thiếu nõn chuối, ăn riêu cua mười phần ngon giảm đến hai ba. Nõn chuối trắng ngần thái mỏng tang thả trên nước riêu không chìm; ngổ lá xanh, ớt chín đỏ sắt lát mỏng; được cả vị mà đẹp cả màu. Rất tinh tế.
Sống gần mợ, tôi mới nhận ra nghệ thuật ẩm thực tinh sành thể hiện ở cách chế biến của người làm, sau đó là cách ăn và khẩu vị của người dùng. Ví như ăn ốc. Có miền quê nào không ăn? Nhưng người Hà Nội như mợ tôi cũng ăn ốc nhưng tinh sành hơn. Cái hồ Tây bây giờ mỗi ngày dân thuyền chài vét đến hai tấn ốc, cộng với ngần ấy ốc ở các vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ tuồn về; ốc vào quán ăn đặc sản hai phần ba, còn lại vào các hàng ốc ở chợ lúc sáng sớm chiều tà, vào hàng ốc ở vỉa hè lúc tối đêm. Nói không ngoa cả Hà Nội ăn ốc, phần lớn là các bà các cô. Ốc ao, ốc đá luộc ở Hà Nội con nào con ấy đều chằn chặn, rửa ốc sạch sẽ, luộc vừa chín. Mợ tôi bảo: Ăn ốc đừng mút chụt… chụt mà dùng gai bưởi, gai bồ kết hoặc kim nhọn mà khêu. Mợ chế nước chấm rất ngon. Mắm nguyên chất pha chút dấm, chút đường, chút gừng giã nhỏ, lá chanh thái nhỏ như sợi chỉ thả vào. Mùi ốc mùi gia vị thơm nồng nã cả một đoạn phố đêm.
Tôi vẫn nhớ những đêm thu xao xuyến. Gió heo may từ sông Hồng thoảng về phố cũ mang theo cả mùi ngô non đồng bãi phù sa. Những cô gái má ửng hồng, mắt lấp ánh ngồi quanh chậu than góc vườn hoa Hàng Đậu ăn ngô nướng. Cô bán hàng còn trẻ, tay nhẹ nhàng bóc áo bẹ xanh, lột nốt lớp lụa trong cùng màu mỡ gà. Que nướng bằng cành tre tươi, lăn bắp ngô trên lửa than hoa. Đôi khi quá lửa, ngô nổ tí tách; mùi ngô nướng thoảng dọc phố dài. Tôi và mợ ngồi bên chậu than hoa của cô hàng ngô. Mợ tôi giành lấy phần tự nướng. Mợ chia cho tôi một bắp. Vẫn cách nướng như cô hàng ngô, vẫn màu lửa ấy, vẫn bắp non ấy, nhưng ăn lại thấy ngon hơn bởi tôi bắt gặp cái nhìn ấm áp và trìu mến của mợ.
Tôi trộm nghĩ nếu mai này Hà Nội không còn những người như mợ tôi thì Hà Nội có nguyên vẹn là Hà Nội ?
S.N.M