“Tấc đất nhưng không phải tấc vàng”!
Theo đơn của cụ Hiệu, cụ đại diện cho 91 hộ dân thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền bị thu hồi đất kiến nghị tới Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng, ban ngành tỉnh Hải Dương xem xét lại việc lấy đất của dân làm KCN. Bởi lẽ, đến thời điểm này đã hơn 5 năm mà KCN (nằm sát quốc lộ 5) vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Mặt khác, cụ Hiệu cũng như 91 hộ dân còn phát hiện quyết định thu hồi đất của tỉnh Hải Dương và quyết định thu hồi đất của huyện Cẩm Giàng cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ khi GPMB không đúng với quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người dân.
Theo cụ Hiệu, khi thu hồi đất, phương án đền bù chi trả cho người dân chỉ có 16,2 triệu đồng/sào, không tính đến chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đời sống cho người dân…
“Vì tiền đền bù ít quá gia đình tôi và nhiều hộ dân thôn Hoàng Xá không nhận. Thậm chí đất “cúng cơm” của gia đình liệt sĩ, của thương binh cũng bị thu hồi trắng. Nếu có được cấp trả bù thì chính quyền lại bắt nhận cách xa thôn hàng chục cây số, thuộc địa bàn xã khác, rất khổ sở cho việc đi lại của người dân”.
Cũng theo cụ Hiệu nói “Người nông dân bị thu hồi đất không được biết về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu công nghiệp, chủ đầu tư không họp bàn gì với dân khi triển khai dự án”... Bởi quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, của huyện Cẩm Giàng đã có từ năm 2008, nhưng 3 năm sau (năm 2011), người dân mới nhận được bản phô-tô khi “tình cờ” gặp vị chánh văn phòng UBND huyện hỏi về dự án.
Trong khi chưa nhận được bản chính của quyết định, tháng 2-2010, một số hộ dân bất ngờ lại nhận được quyết định cưỡng chế của UBND huyện Cẩm Giàng và…
Đằng sau quyết định là… cỏ dại mọc!
Tìm hiểu của PV Báo CCB Việt Nam, ngày 9-6-2008, UBND tỉnh Hải Dương ký Quyết định số 1957/QĐ-UBND phê duyệt KCN Cẩm Điền-Lương Điền với tổng diện tích 183,96 ha. KCN này tỉnh Hải Dương giao Công ty CP Phúc Hưng làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng.
Theo thiết kế, KCN được xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường, sau khi hoàn thành sẽ tiếp nhận các doanh nghiệp vào thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất các ngành hàng điện cơ, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp sạch. KCN khi đi vào hoạt động cũng sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Hải Dương và tạo việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động địa phương…
Diễn thuyết của dự án tốt như vậy nên sau khi có quyết định phê duyệt, ngày 13-6-2008, UBND tỉnh Hải Dương gấp rút có Quyết định số 2078 thu hồi 1.751.422m2 (khoảng 175,1 ha) đất của 2 xã Lương Điền và Cẩm Điền để “tạm giao” cho Công ty CP Phúc Hưng kiểm kê, lập phương án bồi thường, GPMB.
Triển khai xây dựng KCN, 1.322 hộ dân thuộc hai xã phải nhường đất canh tác cho phát triển công nghiệp ở địa phương. Riêng thôn Hoàng Xá có 121 hộ dân bị thu hồi đất.
Theo cụ Hiệu phản ánh, khi dự án triển khai xây dựng người dân địa phương ai ai cũng vui mừng phấn khởi, tin tưởng trên đất quê mình có KCN to, hoành tráng, tương lai sẽ có nhiều con em địa phương được tiếp nhận vào làm việc, tạo thu nhập ổn định cho các gia đình. Thế nhưng, sau khởi công, đến nay người dân rất thất vọng về dự án!
“Gần 200 ha đất mà trước đây là ruộng lúa phì nhiêu mầu mỡ, nay chỉ là bãi đất được san lấp nham nhở, cỏ dại mọc um tùm. Hệ thống cơ sở hạ tầng của KCN cũng không có gì hơn ngoài 3 cái cổng chào xây dang dở và sau đó chủ đầu tư “mất hút”… khiến chính quyền phải bỏ tiền xây tường bao”.
Còn thương binh 1/4 Vũ Xuân Phương bộc bạch: Vì bỏ hoang toàn bộ khu vực rộng lớn biến thành bãi chăn thả gia súc của bà con địa phương. “Nhìn thấy KCN bị hoang hóa, là người dân chúng tôi thấy sót ruột quá! Tấc đất tấc vàng đã bị lãng phí thực sự. Hàng trăm hộ nông dân trong đó có 36 hộ gia đình thương binh, liệt sĩ và CCB thôn Hoàng Xá đã bị mất đến 97% diện tích đất canh tác, đời sống hơn 5 năm qua vô cùng khó khăn”.
Được biết, nhiều năm qua, để đòi quyền lợi người dân đã có hàng trăm lá đơn gửi đến các cấp chính quyền kêu cứu nhưng vẫn chưa được cơ quan nào quan tâm, giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý.
Ngược lại, mới đây cụ Lê Thị Hiệu và thương binh Vũ Xuân Phương còn bất ngờ nhận được văn bản của UBND huyện Cẩm Giàng do Phó chánh văn phòng Trần Xuân Kiều ký, thừa chỉ đạo của chủ tịch huyện thông báo: “Không giải quyết và lưu đơn tại bộ phận tiếp công dân của UBND huyện…” đối với đơn của cụ Hiệu, ông Phương?!
Vì sao UBND huyện Cẩm Giàng lại ra thông báo như vậy? Có phải do cụ Hiệu và ông Phương có quá nhiều đơn từ? hay do việc thu hồi đất, các chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB ở dự án KCN Cẩm Điền-Lương Điền chưa đúng quy định của pháp luật, còn có khuất tất nên chính quyền “xử” như vậy? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin tới bạn đọc.
Bài và ảnh: Doanh Chính