Tiền thừa giờ - Nỗi oan chưa hồi kết

Tư Hoành 17/07/2025 - 19:04

Giáo viên vùng cao không chỉ gánh nặng chuyên môn, mà còn vượt đèo dốc đi tăng cường, dạy học liên môn giữa thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, công lao của họ lại không được trả công xứng đáng - tiền dạy thêm giờ bị cắt xén, thanh toán thiếu minh bạch, dẫn đến nỗi oan kéo dài nhiều năm. Báo CCB Việt Nam xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về vấn đề này tại một trường học ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (cũ).

co-giao-tu-anh-trong-mot-lan-tro-lai-tham-truong-cu
Cô giáo Tú Anh trong một lần trở lại thăm trường cũ...

Kỳ 1: Góc khuất sau bảng lương - nỗi oan không tiếng

Ở nơi non cao mây phủ, có những người thầy lặng lẽ gùi chữ đến với trẻ em nghèo. Nhưng công lao ấy dường như bị lãng quên khi bảng thanh toán tiền dạy thêm giờ không được chi trả đầy đủ, khiến họ từ người gieo tri thức trở thành người đi đòi công lý...

“Thêm tiết, không thêm đủ tiền” - nghịch lý trên bục giảng vùng cao

Những ngày cuối tháng 5-2025, khi năm học sắp khép lại, cũng là lúc cô giáo Nguyễn Thị Tú Anh - nguyên giáo viên Trường TH-THCS số 1 Y Can (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái - cũ) tiếp tục dồn sức cho một “cuộc chiến” khác. Không phải là bài giảng trên lớp, mà là cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho chính mình và đồng nghiệp: Tiền dạy thêm giờ bị chi trả thiếu, mập mờ, không minh bạch trong suốt nhiều năm học.

Ở tuổi 57, đáng lẽ cô đã có thể an nhàn bên học trò và bảng đen. Nhưng nỗi bức xúc vì sự vô lý trong thanh toán khiến cô không thể im lặng. “Chúng tôi không đòi hỏi gì hơn ngoài việc được thanh toán đúng quy định của pháp luật” - cô Tú Anh chia sẻ bằng giọng rắn rỏi xen lẫn u uất.

Từ năm học 2021-2022, khi một số trường trên địa bàn huyện thiếu giáo viên, nhà trường đã quyết định phân lại tiết dạy, tăng cường giáo viên giữa các điểm trường theo kế hoạch của Phòng Giáo dục huyện, trong đó có cô Tú Anh được cử sang dạy tăng cường cho Trường TH-THCS Hưng Thịnh - cách nhà gần 30km đường rừng. Gió sương miền núi, chặng đường cheo leo, tuổi tác và bệnh nền không ngăn được bước chân của cô đến lớp. Nhưng điều khiến cô nghẹn ngào là: sau mỗi lần tăng ca, chỉ nhận về đồng lương bị chi trả thiếu hụt không rõ lý do.

Những bảng tính biết... giấu nước mắt

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, với mỗi tiết dạy vượt khung, giáo viên sẽ được chi trả thù lao theo quy định. Tuy nhiên, thực tế ở Y Can lại khác.

Cô Tú Anh cho biết: “Năm học  2021-2022, tôi dạy 35 tiết vượt định mức, số tiền tôi được thanh toán khoảng 4,1 triệu đồng. Nhưng tôi không rõ cách tính chi trả do kế toán nhà trường tính toán theo qui định nào. Khi được hỏi thì không văn bản, không bảng chi tiết, không một lời giải thích rõ ràng, mà kế toán nhà trường chỉ nhắn qua zalo cho tôi một “công thức”: Lấy hệ số lương chính + khu vực của 12 tháng chia 805 x 35/52 x 150% thì ra 1 giờ dạy xong nhân với số dạy của chị”.

Không chỉ cô, mà hàng chục giáo viên khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Họ dạy thêm, làm nhiều, chủ nhiệm, bán trú, thậm chí dạy liên môn nhưng thu nhập lại “teo tóp” một cách kỳ lạ.

Đến năm học 2023-2024, danh sách thanh toán tiền thừa giờ của 12 giáo viên với tổng số tiết là 1.101 tiết. Tính đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, số tiền phải chi là hơn 259 triệu đồng. Nhưng trên thực tế, chỉ 151 triệu đồng được chi trả, còn lại hơn 108 triệu đồng “biến mất”.

Khi thắc mắc, giáo viên chỉ nhận được những câu trả lời: “Huyện không cấp đủ”, “ngân sách không có”. Nhưng tất cả đều không có văn bản xác nhận. Mọi thứ chỉ là lời nói miệng - một cách từ chối trách nhiệm khéo léo.

Những “chiến sĩ gieo chữ” bị lãng quên

“Chúng tôi chỉ là những người giáo viên, không rành các thủ tục ngân sách. Nhưng chúng tôi biết thế nào là đúng - khi mà số giờ dạy thêm thì rõ ràng, mà tiền lại thiếu hụt như vậy” - cô Tú Anh bức xúc.

Nỗi đau lớn nhất với người thầy không phải là đồng tiền, mà là sự thiếu quan tâm, minh bạch. “Lặng lẽ cống hiến cả đời, nhưng đến lúc về hưu phải đi đòi từng đồng tiền giảng dạy - thật là tủi hổ” - cô nghẹn ngào.

Và đáng lo ngại hơn là Phòng Giáo dục, Phòng Tài chính, Phòng Nội vụ huyện Trấn Yên đều biết sự việc tôi phản ánh, nhưng chưa bao giờ đưa ra kết luận chính thức. Câu trả lời lặp lại như bản nhạc buồn: “Không có kinh phí, ngân sách không đủ”. Vậy ai kiểm tra, ai xác minh, ai là người chịu trách nhiệm?

Giáo viên vùng cao - đặc biệt là những người đã gắn bó nhiều năm như cô Tú Anh thường là những cô giáo yêu nghề. Họ không xa lạ với gian khổ, không đòi hỏi đặc quyền, càng không muốn gây rắc rối.

Nhưng im lặng nghĩa là chấp nhận sai trái. Và trong vụ việc này, sự im lặng sẽ chỉ hợp thức hóa cái bất công vốn đang tồn tại.

“Chúng tôi đấu tranh không chỉ vì mình, mà vì danh dự nghề giáo, vì lẽ phải phải được trả về đúng chỗ” - cô Tú Anh quả quyết.

Câu chuyện ở Trường TH-THCS số 1 Y Can không còn là chuyện tiền bạc. Đó là một lát cắt về sự công bằng, và sự quan tâm ra sao với những giáo viên vùng cao trong bộ máy quản lý giáo dục địa phương.

Nỗi oan ấy vẫn lặng lẽ kéo dài, như sương mù phủ trên những bản làng Tây Bắc. Những giáo viên đã cống hiến cả tuổi trẻ cho học trò vùng khó, giờ đây trở thành người đi gõ cửa công lý. Nhưng cánh cửa ấy vẫn chưa mở - khi mà trách nhiệm bị đá qua đá lại, và tiếng nói của người thầy còn quá đơn độc...

(Còn nữa)

Đọc tiếp

Mới nhất

Tiền thừa giờ - Nỗi oan chưa hồi kết