Dấu ấn người cựu chiến binh trên trận tuyến phòng, chống ma túy (kỳ 2)

Võ Hóa 15/07/2025 - 08:59

Kỳ 2: Người cha hơn 30 năm “cứu vớt” những mảnh đời lầm lạc

Hơn 30 năm đằng đẵng, CCB Nguyễn Viết Vân dành thời gian, công sức “thu phục”, giáo dục những người nghiện ma túy, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Trên hành trình đầy tự hào đó, ông còn sắm vai ông mai, bà mối cùng gia đình tổ chức lễ ăn hỏi, thành hôn cho hội viên cai nghiện thành công, hiện đã có 9 cặp vợ chồng sinh con, có việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc.

Đánh cược tính mạng, đương đầu với ma túy

Sau nhiều cuộc hẹn, tôi cũng gặp được ông, người cha của nhiều mảnh đời lầm lỡ. Trong căn gác tầng 2 chật chội trên con ngõ nhỏ phố Sơn Tây, dù 2 cái quạt cây bật số mạnh nhất nhưng không thể xua tan cái oi nóng của Hà Nội những ngày đầu Hạ. Căn phòng chật chội, tôi ngồi nghiền ngẫm từng câu chuyện trên hành trình giúp đỡ các đối tượng sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng mà ông đã từng cảm hóa. Hình ảnh của bến xe Kim Mã, chợ Ngọc Hà.... những năm đầu thập kỷ 90 được ông Nguyễn Viết Vân tái hiện lại, vừa xô bồ và đầy cám dỗ.

507757308_29845241305120920_3955680944047276583_n-0846
CCB Nguyễn Viết Vân chia sẻ với tác giả

Nhấp chén trà, ông Vân nhớ về thời điểm những ngày đầu hành trình giúp đỡ những cảnh đời lầm lỡ hoàn lương. Từng là lính đặc công, năm 1991 ông rời quân ngũ, trở về quê hương, đau đáu trước các tệ nạn xã hội, những cảnh người vất vưởng khi trót dính “nàng tiên nâu” nên ông cùng đồng đội lại bắt đầu hành trình mới, đầy gian khổ.

“Thời điểm những năm 1995, phường Kim Mã có nhiều tụ điểm nhức nhối về nạn nghiện hút, tiêm chích ma túy như khu vực bến xe Kim Mã, khu nhà vệ sinh số 47, ngõ 17 phố Tây Sơn, chợ Ngọc Hà… Nhìn cuộc sống của người dân luôn bị đe dọa, tôi băn khoăn, trăn trở nhiều lắm. Khi đó, ở một số khu vực, kim tiêm được vứt lăn lóc nhìn xa còn tưởng là giấy vụn. Nhiều kẻ nghiện ngập còn chích hút trên xe xong vứt kim tiêm xuống đường, ai thấy cũng phải lắc đầu. Lúc đó tôi nghĩ, trong chiến tranh, mình và đồng đội đã từng vào sinh ra tử chiến đấu để bảo vệ hoà bình, độc lập, vậy mà trong thời bình chẳng nhẽ lại khoanh tay đứng nhìn nhiều người lầm lỡ như vậy", ông Vân bồi hồi.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông lên kế hoạch thành lập tổ công tác đẩy lùi tình trạng mua bán ma túy công khai. Từng là lính đặc công, ông Vân hiểu rõ, để giải quyết vấn đề tận gốc cần phải tiếp cận với những đối tượng sừng sỏ nhất trong khu vực. Tuy nhiên việc làm này ngay lập tức nhận phải sự phản đối của gia đình, đồng đội, bởi tất cả đều hiểu, những đối tượng nghiện ngập, từng nhiều lần vào tù ra tội có tính cách rất khó lường. Nếu việc tiếp cận, khuyên răn không đúng cách sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chưa kể, việc làm của ông sẽ khiến các đối tượng tàng trữ, buôn bán ma túy mất đi nguồn thu nhập.

Ông Vân kể, đỉnh điểm của sự việc là khoảng vào năm 2004, khi đang đi kiểm tra chợ Thanh Cao thì bất ngờ ông Vân thấy một đối tượng cầm theo con dao định lao vào tấn công mình. Với kinh nghiệm của lính đặc công, chẳng kịp để đối tượng trở tay, ông cởi phăng áo ra cuốn lại để bắt dao. Thấy người ông chằng chịt đầy vết sẹo, thân thể nhanh nhẹn, kẻ côn đồ ném dao bỏ chạy, nhưng được người dân hỗ trợ, ông bắt gọn và giải về công an phường. Tại đây, thay vì đề nghị trừng trị, ông Vân nhẹ nhàng cảm hóa và sau đó còn cho tiền để họ bắt xe về quê.

Trên hành trình “thu phục” những thành phần bất hảo, nhiều thanh niên trước khi đi trại giáo dưỡng hay trại cai nghiện đều chỉ tay thẳng mặt ông mà nói: “Người đầu tiên sau khi trở về tao giết là mày". Thậm chí có lần ông còn bị đánh lén ngay trong đêm tối. Việc bị viết thư, gọi điện hay chỉ thẳng mặt đe dọa "sẽ giết chết" đối với ông là chuyện cơm bữa. Nhiều lần vận động đối tượng nghiện đi cai, ông còn bị cho là "kẻ chỉ điểm" cho công an, không ít lần họ bóng gió rằng sẽ có ngày "xử" ông. Gia đình ông cũng nhiều phen bị trả thù, bị đe dọa, xúc phạm. Thế nhưng mọi sự đe dọa đều không ngăn cản được quyết tâm của ông.

Song song với việc triển khai chốt bảo vệ ở nhiều điểm nóng, phát hiện và ngăn chặn tất các hành vi buôn bán và sử dụng ma túy. Ông Vân trực tiếp gặp gỡ những đối tượng cộm cán trong khu vực, vừa làm bạn, dần dần rủ các đối tượng tham dự đội bóng do ông thành lập. Mưa dầm thấm lâu, những hành động, việc làm, tình cảm của ông dần cảm hóa những đối tượng nghiện lâu năm nhất.

Bán xe máy tạo việc làm “dựng vợ” cho hội viên

Căn phòng khoảng 20m2 bày biện đủ kỷ vậy thời lính, bức ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được vợ chồng CCB Nguyễn Viết Vân sắp xếp gọn gàng. Căn phòng quá bé, không có bàn ghế, chiếc giường lắp ghép từ các tấm gỗ vừa làm chỗ nghỉ ngơi của hai vợ chồng, vừa làm nơi tiếp khách, tài sản quý giá nhất là chiếc tivi 32inch, nhưng ít ai biết vợ chồng ông từng bán chiếc xe máy, khối tài sản lớn vào những năm 2000 để mua máy ép mía, giải quyết công việc cho các hội viên sau cai nghiện. Ông Vân nhớ lại, giúp người nghiện hoàn lương không chỉ cần tình cảm, sự chân thành để thuyết phục mà quan trọng hơn là phải tạo được công ăn việc làm, để cai nghiện trở về, họ có công việc lao động, có tiền tiêu, không còn thời gian chơi bời, bị bạn bè lôi kéo. Ông thành lập ra nhóm "Đoàn kết", "Bạn giúp bạn" để các hội viên giúp đỡ, hỗ trợ nhau.

anh-1-0847
CCB Nguyễn Viết Vân (thứ 3 từ phải sang) dạy hội viên sửa xe máy

Dù cuộc sống gia đình không dư giả gì nhưng vợ chồng ông đã bán chiếc xe máy duy nhất để mua máy ép nước mía giúp 3 - 4 thành viên mở cửa hàng bán nước mía giải khát. Mỗi ngày sẽ dành ra 50.000 đồng làm quỹ, dùng sửa máy và sử dụng khi các hội viên cần. Đến nay, chiếc máy đã qua 3 thế hệ với khoảng 10 thành viên sử dụng, kiếm tiền chân chính. Ông còn vận động sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, mở các điểm rửa, sửa xe máy, liên hệ các công ty trên địa bàn TP Hà Nội tạo công ăn việc làm cho hội viên.

“Tôi cũng không có bí quyết gì, quan trọng nhất là phải coi họ như con cháu, người thân trong nhà, nhẹ nhàng khuyên bảo, dùng tình cảm, sự chân thành để thuyết phục, không bao giờ được miệt thị, phân biệt. Các buổi sinh hoạt CLB không nên giáo điều, mình có gì ăn thì mang đến, tổ chức văn nghệ, nghe hội viên chia sẻ chuyện gia đình”, ông Vân khiêm tốn nói.

anh-4-0848
Chiến máy ép mía đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hội viên CLB B93 Kim Mã

Điều người cựu chiến binh này hạnh phúc nhất trên hành trình đưa những cảnh đời lẫm lỡ hoàn lương là mai mối được 10 cặp đôi nên duyên vợ chồng từ chính CLB B93. Trường hợp Lê Văn Thanh là một ví dụ. Ở phường Kim Mã, anh Thanh nổi tiếng là đối tượng giang hồ cộm cán. Nhiều lần vào tù ra tội, vẫn không từ bỏ được bản chất anh chị của mình, nhưng khi gặp ông Vân, được ông phân tích, khuyên nhủ, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Tình cờ một lần lên Tuyên Quang chữa bệnh, Thanh gặp được một nửa đời mình, hai người nhanh chóng đem lòng cảm mến. Nhưng quá khứ bất hảo của Thanh khiến gia đình người yêu e ngại.

Buồn bã, chán nản, Thanh tâm sự với chủ nhiệm CLB, không đành lòng vợ chồng ông Vân lại cùng nhau lên Tuyên Quang thuyết phục. Nhờ sự chân thành của ông mà nhà gái đồng ý cho đôi trẻ đến với nhau. Một đám cưới hạnh phúc diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình và bè bạn. Nhiều năm nay, gia đình anh sống vui vẻ, đầm ấm, anh Thanh không tái nghiện, có công ăn việc làm ổn định.

Lặng lẽ nghe chồng kể chuyện, bà Nguyễn Thị Hinh cũng là hội viên cựu chiến binh cho biết, ban đầu bà và các con đều không đồng ý cho ông tham gia công việc nguy hiểm này. Tuy nhiên, trước sự tận tâm của ông, dần dần bà lại là chỗ dựa cho ông yên tâm công tác. “Có lần ông nhà tôi bị ngã cầu thang gãy xương bả vai, các cháu hội viên đến chăm sóc, nắn bóp cho ông tôi cũng ấm lòng. Nhìn thấy hàng chục cháu bỏ được ma túy, trở thành người lương thiện, tôi biết mình đã đúng khi ủng hộ chồng”, bà Hinh xúc động nói.

Với những cống hiến của mình, ông Nguyễn Viết Vân nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cơ quan, đoàn thể, Hội CCB Việt Nam, Bộ Công an. Vinh dự hơn, năm 2015 ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được công nhận là Công dân tiêu biểu Thủ đô, tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

Mới nhất

Dấu ấn người cựu chiến binh trên trận tuyến phòng, chống ma túy (kỳ 2)