Từ người chiến sĩ xe tăng trong đội hình thần tốc tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, đến nhà văn Quân đội - Đại tá, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt là hiện thân sống động của Bộ đội Cụ Hồ. Ở ông, bài ca không khép lại sau chiến thắng khải hoàn, mà vẫn ngân vang giai điệu tự hào “tiếp lửa” truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau...
Mang truyền thống quê hương ra trận
Với khí thế chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cuối năm 1974, tạm biệt miền Bắc XHCN, tạm biệt quê hương Chí Linh (Hải Dương), chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Nguyệt mang theo trong mình niềm kiêu hãnh tự hào của vùng đất “địa linh nhân kiệt” - nơi sản sinh và hội tụ nhiều danh nhân, danh tướng, danh sư như: Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi... Nguyễn Khắc Nguyệt cùng đồng đội của Lữ đoàn xe tăng 203, đơn vị chủ lực của Quân đoàn 2 (nay thuộc Quân đoàn 12) bước vào chặng đường hành quân hàng nghìn cây số vượt Trường Sơn, tiến sâu vào chiến trường miền Đông Nam Bộ đầy gian khổ ác liệt. Với uy lực và sức mạnh: “húc đổ, đè bẹp, nghiền nát” của những con “mãnh hổ” luôn là biểu tượng khát vọng về một niềm tin chiến thắng của những người lính xe tăng trên đường ra trận.
Thời khắc không thể nào quên
Nhớ lại khi ấy, ông Nguyệt mới ngoài đôi mươi, gương mặt rám nắng, đôi mắt rực lửa - kể lại: “Chúng tôi hành quân suốt ngày đêm, có những đoạn xe phải bám vào thành ta-luy âm, ta-luy dương, chỉ một sơ suất nhỏ là trượt bánh xích, cả khối sắt thép khổng lồ rơi xuống vực. Nhưng lạ kỳ thay, trong đầu người lính xe tăng lúc đó không có từ “sợ” mà chỉ có tinh thần quyết tâm sắt đá: phải đến kịp chiến trường, phải góp mặt vào trận đánh quyết định cuối cùng.”
Trong vòng 42 ngày hành quân và chiến đấu, từ ngày 19-3 đến 30-4-1975, Đại đội 4 Anh hùng của Nguyễn Khắc Nguyệt đã cơ động hàng nghìn cây số, tham gia giải phóng các thành phố lớn: Đà Nẵng, Huế và tiến về Sài Gòn...
Sáng 30-4-1975, đơn vị Nguyễn Khắc Nguyệt nhận nhiệm vụ “đặc biệt” tiến công vào các mục tiêu trọng yếu thuộc nội đô Sài Gòn trong khung cảnh đường phố hỗn loạn... Trận đánh vào Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập diễn ra rất quyết liệt nhưng với tốc độ thần tốc.
Khi nghe tin xe tăng 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, với lái xe Nguyễn Văn Tập và xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, với lái xe Lữ Văn Hỏa đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập, Nguyễn Khắc Nguyệt đang cùng kíp xe 380 cơ động áp sát phía sau. Ông kể: “Chúng tôi vừa đi vừa nghe tiếng nổ rền vang từ các hướng. Rồi bất ngờ, trong radio vang lên lệnh "Ngừng bắn - địch đầu hàng!"... Không ai nói gì, chỉ thấy nước mắt rơi. Một người lính bên cạnh tôi thì thầm: “Chiến tranh kết thúc thật rồi!”.
Đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Tổng hành dinh chính quyền Sài Gòn.
Là người trong cuộc, được tận mắt chứng kiến những giây phút lịch sử ấy, Nguyễn Khắc Nguyệt không cầm được nước mắt. Không phải là giọt nước mắt của sự kiệt sức sau nhiều ngày hành quân vất vả mà là niềm vui hạnh phúc đến nghẹn ngào. Đất nước sạch bóng quân xâm lược. Nhân dân được sống trong hòa bình. Và ông - người lính xe tăng trẻ - Nguyễn Khắc Nguyệt đã có mặt trong trang sử huy hoàng đó.
Viết tiếp bài ca người chiến sĩ
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975; Nguyễn Khắc Nguyệt tiếp tục phục vụ trong quân đội, làm công tác tham mưu nên càng có cơ hội để ông nghiên cứu nhiều về lịch sử quân sự. Khi nghỉ hưu, ông không chọn lối sống an yên, người chiến sĩ lái xe tăng mang số hiệu 380 ấy lại bước vào một hành trình khác: tích cực tham gia công tác Hội CCB, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, gắn bó với bà con lối xóm như một “người lính dân sự”.
Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian viết sách. Nguyễn Khắc Nguyệt tâm sự, khi đã từng qua một giai đoạn của cuộc chiến tranh, được chứng kiến bao đồng đội của mình đã ngã xuống giữa tuổi 20, bản thân ông luôn canh cánh trong lòng về một “món nợ” tinh thần với những người đã khuất. Do vậy, khi nhận giấy báo nghỉ hưu, Nguyễn Khắc Nguyệt từng được không ít bạn bè mời làm một số công việc khác (có thu nhập cao) nhưng ông đã từ chối để bắt tay vào việc viết văn. Theo quan niệm của ông: “Viết về chiến tranh là để gìn giữ ký ức, nhưng cũng là nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau rằng, hòa bình không bao giờ là điều hiển nhiên mà có. Nó phải được đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt, bằng cả tuổi xuân của hàng triệu con người.”
Đến nay nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã xuất bản được 18 tập sách về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang. Từ hồi ký, truyện ngắn, đến tiểu thuyết; hầu hết các tác phẩm của ông đều thấm đẫm hơi thở cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ trên các chiến trường mang tính chân thực, sâu sắc, giàu cảm xúc. Trong đó, "Hành trình đến Dinh Độc Lập"; “Lái tăng xuyên Việt”, “Xe tăng trong chiến tranh Việt Nam” không chỉ là nguồn sử liệu quý giá mà còn là cầu nối giữa các thế hệ nhằm "tiếp lửa” truyền thống yêu nước cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau.
Nhiều năm qua, Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt là khách mời quen thuộc trong các buổi giao lưu tại các trường học, đơn vị LLVT, Hội CCB các địa phương. Hàng trăm buổi nói chuyện của ông thật dung dị, chân thành. Ông kể chuyện mình, kể chuyện đồng đội, kể về những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ. Để từ đó, hun đúc trong lớp trẻ lòng tự hào, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.
Đặc biệt mới đây, tại buổi gặp gỡ giao lưu ở Thư viện Quân đội với chủ đề "Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh", Đại tá, nhà văn - CCB Nguyễn Khắc Nguyệt đã chia sẻ với những người lính trẻ trong quân đội: “Các bạn sinh ra trong hòa bình là điều may mắn. Nhưng đừng quên, để có được điều đó, hàng triệu người đã không thể trở về. Chúng ta hãy sống xứng đáng, cống hiến bằng tài năng, trí tuệ và lòng trung thành với đất nước.”
Ở tuổi ngoài 70 - cuối mùa thu của cuộc đời, mái tóc đã bạc, bước chân đã chậm, nhưng tâm hồn ông - CCB Nguyễn Khắc Nguyệt vẫn không hề già cỗi. Ông vẫn viết, vẫn trò chuyện, vẫn đau đáu với lịch sử và ký ức đồng đội. Vẫn sống một cuộc đời đầy trách nhiệm, khiêm nhường nhưng rực rỡ như thời trai trẻ cầm lái xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập.
Với ông, được sống, được cống hiến sức mình cho đất nước, được kể lại câu chuyện của thế hệ mình - đó không chỉ vinh dự, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của người lính Cụ Hồ. Và cuộc hành trình ấy, ông gọi là: “Viết tiếp bài ca Bộ đội Cụ Hồ” - bằng ngòi bút, bằng trí tuệ và cả trái tim yêu nước không bao giờ tắt lửa.