Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nghĩa trang liệt sĩ có quy mô lớn nhất cả nước. Tại đây có khá nhiều chuyện diệu kỳ, sự trùng hợp đến kỳ lạ diễn ra từ nhiều năm nay.
Hồ nước chưa bao giờ cạn
Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết gắn bó keo sơn của quân với dân, miền Bắc với miền Nam, giữa ý Đảng với lòng dân và tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Để lập nên những chiến công oanh liệt và huyền thoại Trường Sơn, gần 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trên tuyến chi viện chiến lược này.
Trước những mất mát, hy sinh của các đồng chí, đồng đội, ngay từ đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã đề nghị Đảng, Nhà nước và Quân đội tổ chức quy tập các liệt sĩ nằm rải rác trên dọc tuyến đường Trường Sơn và đất bạn Lào, Campuchia lại một nơi, như một “mái nhà chung” để đồng bào, đồng chí và nhất là các gia đình tiện lui tới thăm viếng. Đề xuất này sau đó được Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị thông qua, đồng thời giao cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đi khảo sát và chọn địa điểm. Sau khi cân nhắc, địa danh đồi Bến Tắt, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (nay là xã Linh Trường, tỉnh Quảng Trị) được lựa chọn. Công trình khởi công ngày 24-10-1975, hoàn thành ngày 10-4-1977. Công trình có tổng diện tích hơn 140.000m2 quy tụ 10.263 phần mộ của các liệt sĩ là con em của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Khi xây dựng nghĩa trang này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho đào một hố nhỏ chứa nước để phục vụ xây dựng. Nhưng ngay giữa ngọn đồi khô cằn, khi mới đào được khoảng 1m thì gặp một mạch nước ngầm phun cao mạnh mẽ. Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn cho đào sâu rộng ra thành một hồ lớn. Có điều kỳ lạ là từ khi đào hồ đến nay, hồ lúc nào cũng trong xanh, đầy ắp nước, kể cả những năm khô hạn, chưa bao giờ cạn, tạo nên cảnh quan sinh thái trong lành ở ngay cổng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Hai cây bồ đề linh thiêng
Cuối năm 1976, khi Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn được hoàn thiện, chuẩn bị khánh thành thì Ban Quản lý nghĩa trang phát hiện một cây bồ đề cao khoảng 20cm mọc lên ngay sau Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công. Đứng trước cây bồ đề nhỏ bé có nguồn gốc tâm linh của đạo Phật, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên rất xúc động. Ông giao cho Ban quản lý nghĩa trang vun đất và chăm sóc cây cẩn thận. Khác với hàng trăm loại cây ở nghĩa trang, cây bồ đề lớn nhanh đến kỳ lạ và chia thành 3 nhánh ôm ấp lấy 3 cạnh của Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công.
Năm 1999, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) có kế hoạch cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công, nhiều người có ý kiến đề nghị chuyển cây bồ đề để lấy mặt bằng. Việc này đến tai Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn vào ngay Quảng Trị đề nghị phải giữ nguyên vị trí cho cây bồ đề. Trong sổ lưu niệm ở nghĩa trang, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết: "Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi này. Mọi người cùng nhau giữ lấy cây bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ nơi đây".
Giờ đây, hàng vạn người dân khi đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đều đứng trang nghiêm dưới gốc cây bồ đề toả rợp bóng mát. Nhiều đoàn CCB khi về thăm viếng liệt sĩ tại nghĩa trang thường ngồi dưới tán bồ đề, đánh đàn ghi ta và cùng hát cho đồng đội nghe.
Vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi Đền thờ Bác Hồ và các liệt sĩ Trường Sơn trong khuôn viên của Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn xây dựng xong, lại xuất hiện một cây bồ đề mọc tự nhiên cạnh hòn non bộ ngay trong sân và ở vị trí đối diện rất cân đối với Đền thờ. Cây bồ đề này cũng lớn rất nhanh, tạo cảnh quan đẹp và tôn nghiêm ở nơi này.
Cuộc kỳ ngộ của hai nữ anh hùng
Trên tuyến lửa Trường Sơn có hai người bạn nữ cùng công tác trên Đường 20 Quyết Thắng, sau đó cả hai đã hy sinh anh dũng và được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là chị Nguyễn Thị Vân Liệu và Nguyễn Thị Nhạ.
Sau chiến tranh, hài cốt của Anh hùng Nguyễn Thị Nhạ được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (phần mộ dành cho các Anh hùng và cán bộ cao cấp Bộ đội Trường Sơn). Còn hài cốt của Anh hùng Nguyễn Thị Vân Liệu vẫn chưa tìm được.
Vào ngày 27-7-2004, nhân kỷ niệm 57 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Huyền thoại Trường Sơn” tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, người dẫn chương trình là nhà báo Diễm Quỳnh khi dâng hương và đặt hoa trắng lên phần mộ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Nhạ đã nhắc đến tên chị Nguyễn Thị Vân Liệu - nữ Anh hùng liệt sĩ cùng đơn vị chiến đấu với chị Nguyễn Thị Nhạ, kèm theo một chi tiết quan trọng được sóng truyền hình gửi đi khắp cả nước: Phần mộ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu hiện chưa được tìm thấy. Ai có thông tin về chị xin thông báo về số điện thoại nóng 090...
Biên tập viên Thạch Lựu, người trực tiếp nhận thông tin gọi vào đường dây nóng kể lại: Chỉ ít phút sau khi VTV3 phát trực tiếp cảnh quay MC Diễm Quỳnh tại khu mộ các Anh hùng và cán bộ cao cấp Bộ đội Trường Sơn, đã có người gọi điện đến. Đó là một bác sĩ. Ông cho biết mình là bạn của vị bác sĩ đã trực tiếp phẫu thuật cho chị Vân Liệu nhưng không thành công tại bệnh viện dã chiến ở biên giới Việt - Lào. Theo lời kể của bạn ông thì sau khi hy sinh, chị Vân Liệu được đưa về an táng tại khu mộ tạm của Bộ đội Trường Sơn ngày ấy và một thời gian sau thì được đưa vào khu mộ Hà Nam Ninh của Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Thông tin đến nhanh và bất ngờ không chỉ với người xem truyền hình trên cả nước mà còn cả với những người làm chương trình. Đây là một chi tiết thật ý nghĩa cho một chương trình truyền hình lớn tại Quảng Trị.
Những ngày cuối tháng 12-2004, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng với Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã trang trọng làm lễ đưa hài cốt liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Vân Liệu từ khu mộ Hà Nam Ninh về an táng tại khu mộ những anh hùng và cán bộ cao cấp Bộ đội Trường Sơn, ngay cạnh Anh hùng Nguyễn Thị Nhạ.
Cuộc hội ngộ sau 36 năm của hai người nữ anh hùng trên tuyến lửa Trường Sơn ngày nào - Nguyễn Thị Vân Liệu và Nguyễn Thị Nhạ - đã diễn ra như thế.