CỰU CHIẾN BINH BỀN BỈ CHỐNG “GIẶC NỘI XÂM” (tiếp theo và hết)

Bài 3: Cần thay đổi phương thức tác chiến

ĐỖ PHÚ THỌ 17/07/2025 - 15:12

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định chủ trương, đường lối chống “giặc nội xâm” của chúng ta là đúng đắn. Các CCB đã nỗ lực, bền bỉ trên trận địa này. Dự báo thời gian tới, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vẫn còn rất cam go, khốc liệt. Để giành thắng lợi, cần phải thay đổi phương thức tác chiến.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội CCB Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội CCB Việt Nam.

Chống “giặc nội xâm” từ sớm, từ xa

Để đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc trong kỷ nguyên mới, phải có rất nhiều việc cần làm, trong đó cấp bách là phải chiến thắng “giặc nội xâm”. Trên trận địa ác liệt này, các CCB đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Những người đã từng trải qua khói lửa chiến tranh và thao trường huấn luyện, khi trở về đời thường luôn mang trong mình một ý chí kiên cường được tôi luyện qua năm tháng. Đối với họ, cuộc chiến đấu vì lý tưởng cách mạng chưa bao giờ kết thúc, chỉ thay đổi hình thái từ chiến trường ác liệt sang mặt trận mới - cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Sự chuyển đổi này không phải ngẫu nhiên mà xuất phát từ bản chất của Bộ đội Cụ Hồ: Luôn đứng về phía nhân dân, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội.

 Theo số liệu thống kê của Hội CCB Việt Nam, hiện cả nước có hơn 3 triệu hội viên CCB, có mặt tại tất cả các xã, phường, đặc khu trong cả nước. Đây là lực lượng hùng hậu không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, với 85% là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này tạo nên thế mạnh đặc biệt trong công tác tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện chính sách pháp luật, nhất là trên mặt trận phòng, chống “giặc nội xâm”.

Dự báo thời gian tới, cuộc chiến “chống giặc nội xâm” của chúng ta sẽ còn cam go, phức tạp hơn. Các thủ đoạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ tinh vi, biến hóa khôn lường. Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị ngày càng gia tăng cường độ chống phá, trọng tâm là xuyên tạc công cuộc phòng chống “giặc nội xâm” của chúng ta. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến này, các CCB cần phải thay đổi phương thức tác chiến, đặc biệt là phải chống “giặc nội xâm” từ sớm, từ xa.

Qua khảo sát của chúng tôi tại một số địa phương, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò của CCB trong xây dựng Đảng, chính quyền, còn nhiều bất cập, trong đó có việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên ở nơi cư trú còn mang tính hình thức hạn chế đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là cơ sở pháp lý cho nhiệm vụ này chưa thật đầy đủ. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, thay đổi các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi. Đặc biệt cần nâng cấp Pháp lệnh Cựu chiến binh thành Luật Cựu chiến binh, trong đó có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của CCB đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời phải có sự thống nhất, đồng bộ về các hành vi, chế tài xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí giữa các văn bản của Đảng với các văn bản của Nhà nước.

Xây dựng, củng cố thế trận phòng, chống “giặc nội xâm”

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”, trên trận tuyến phòng chống “giặc nội xâm” muốn giành thắng lợi, phải xây dựng được thế trận lòng dân. Phải động viên được quần chúng tham gia đông đảo. Công khai, dân chủ là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, để người dân tham gia vào giám sát hoạt động của người có chức vụ, quyền hạn. Việc giám sát này không chỉ dừng lại ở các biện pháp phòng ngừa mà còn theo đến cùng khi các vụ án tham nhũng bị phát hiện, điều tra, xử lý. Bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, các CCB sẽ tập hợp được đông đảo quần chúng giám sát được các nguồn thu nhập và những biến động về tài sản của người có nhiệm vụ, quyền hạn nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, cũng cần phải có cơ chế khuyến khích người dân cung cấp những thông tin tố giác tham nhũng và cơ chế bảo vệ người tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Mặc dù Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành đã có những quy định về bảo vệ người tố giác, nhưng việc áp dụng trên thực tế còn nhiều hạn chế. Các quy định về bảo vệ an toàn tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tố giác chưa được thực hiện nghiêm túc. Vai trò của các tổ chức Hội CCB ở địa phương trong việc hỗ trợ, bảo vệ hội viên chưa được phát huy đúng mức. Cần tăng cường sự vào cuộc của Hội CCB các cấp để trở thành chỗ dựa vững chắc cho các hội viên trong quá trình tố cáo tham nhũng, tiêu cực, đồng thời kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ người tố giác.

Theo ý kiến của đông đảo các CCB, để phát huy hơn nữa vai trò của CCB trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ CCB trong việc tiếp cận thông tin, pháp lý khi tham gia tố cáo. Có thể thành lập các tổ tư vấn pháp luật miễn phí dành riêng cho CCB, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương những CCB dũng cảm trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Việc biểu dương, khen thưởng kịp thời sẽ khích lệ tinh thần đấu tranh của CCB, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

CCB và nhân dân mong muốn, sau khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, cần khẩn trương kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh và các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở các địa phương sau hợp nhất, sát nhập.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đông đảo CCB và nhân dân kiến nghị, các ban chỉ đạo này cần có thêm thành phần là đại diện Hội CCB, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Ngoài xử lý những vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nổi cộm ở địa phương, CCB và nhân dân còn mong muốn ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần quan tâm xử lý “tham nhũng vặt”. Đó là vụ việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những lĩnh vực mà người dân thường xuyên phải tiếp xúc. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ; khẩn trương xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tích hợp các dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông, dễ khai thác, sử dụng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trên dữ liệu nhằm phát hiện, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời vi phạm.

Hội Cựu chiến binh cần tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy xây là chính, phòng ngừa là cơ bản, khắc phục những thói hư, tật xấu trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước; đồng thời cảnh giác, không để các phần tử xấu và kẻ địch lợi dụng gây mất đoàn kết nội bộ, vu cáo, bôi nhọ, đả kích, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đọc tiếp

Mới nhất

Bài 3: Cần thay đổi phương thức tác chiến