UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, với mục tiêu tổng thể là giảm cung – giảm cầu – giảm tác hại, hướng tới xây dựng “Hà Nội - Vì cộng đồng không ma túy”.
Hà Nội quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy từ gốc
Ngày 15/7/2025, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND nhằm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Đây là chương trình mang tính toàn diện, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, tập trung triển khai từ cấp cơ sở với ba nhóm giải pháp trọng tâm: giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.
Chương trình đặt mục tiêu giảm dần số người nghiện qua từng năm; 50% xã, phường không có tệ nạn ma túy; 100% các điểm trồng cây ma túy bị phát hiện và triệt phá. Đồng thời, phấn đấu 80% lực lượng chuyên trách được trang bị hiện đại; tăng cường xử lý các vụ án ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, lợi dụng không gian mạng.
Ngoài ra, thành phố cũng đặt mục tiêu 100% cơ sở y tế cấp xã đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; 90% người sau cai nghiện được hỗ trợ y tế, tâm lý; 80% cơ quan báo chí có chuyên mục tuyên truyền phòng, chống ma túy; 100% trường học và 70% lực lượng lao động được phổ biến kiến thức phòng, chống ma túy.
Tăng cường công tác chỉ đạo: Quán triệt đầy đủ các nghị quyết, xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra tình trạng nghiện tại địa phương.
Siết chặt quản lý nhà nước: Kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp; định kỳ tổng điều tra; hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục: Nâng cao nhận thức, đặc biệt trong nhóm dễ bị tổn thương và tại các địa bàn phức tạp.
Cải tiến công tác cai nghiện: Đổi mới phương pháp, quản lý hiệu quả người nghiện và sau cai nghiện.
Nâng cao năng lực lực lượng chuyên trách: Tăng cường trang thiết bị, kỹ thuật, đào tạo bài bản cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.
Hợp tác quốc tế: Tăng cường triệt phá đường dây ma túy xuyên biên giới, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện nghiêm các hiệp định quốc tế.
Ứng dụng công nghệ: Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, triển khai quản lý bằng phần mềm, đào tạo cán bộ qua nền tảng trực tuyến.
Bảo đảm nguồn lực: Ưu tiên ngân sách cho công tác phòng, chống ma túy; trang bị kỹ thuật hiện đại cho các đơn vị chủ lực.
Tăng cường giám sát, đánh giá: Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời điều chỉnh, khắc phục tồn tại trong quá trình triển khai.
Công an TP. Hà Nội là cơ quan thường trực, chủ trì giám sát, đánh giá chương trình; tổ chức kiểm tra, sơ kết – tổng kết; tăng cường điều tra, đấu tranh tội phạm ma túy.
Sở Y tế tổ chức điều trị, quản lý người nghiện; triển khai điều trị bằng Methadone; tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở.
UBND các xã, phường cụ thể hóa nội dung kế hoạch trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp về tình hình tội phạm ma túy tại địa bàn.
MTTQ và các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp, phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
UBND TP. Hà Nội xác định rõ: phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Các biện pháp cần được triển khai đồng bộ, trong đó phòng ngừa là chính, đấu tranh từ xa, từ sớm là quan trọng, nhằm giảm thiểu tổng thể các yếu tố cung – cầu – tác hại. Mục tiêu sau cùng là xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước.