Theo đề xuất, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ vào năm 2021 sẽ là 55 tuổi 3 tháng.
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, được các cơ quan tiếp thu và chỉnh lý để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV. Trong đó, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và người lao động.
Về nội dung đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nêu rõ: "Ðiều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực". Và Nghị quyết số 28-NQ/TW chỉ rõ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021. Theo tinh thần này, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần phù hợp quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Trong cuộc trao đổi với báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Mậu Diệp dẫn ra có 4 nguyên do chính để đặt vấn đề này:
Thứ nhất, thế giới đã bước vào quá trình già hóa dân số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó; việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai. Nếu 15 năm trước, giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2009, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,2 triệu người mỗi năm, thì từ năm 2014 đến năm 2019, mỗi năm tăng chỉ 400.000 người. Nếu không mở rộng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam sẽ đối mặt thiếu hụt lao động trong tương lai.
Thứ hai, điều đó sẽ bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu. Theo Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ là khuyến nghị tuổi nghỉ hưu nam và nữ thu hẹp lại, tiến tới bằng nhau. Tuổi nghỉ hưu hiện nay quy định nữ là 55 tuổi và nam là 60 tuổi, chênh lệch 5 tuổi. Lần đề nghị này sẽ thu hẹp khoảng cách còn 2 tuổi và tiến tới sẽ san bằng khoảng cách này. Nếu tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chênh lệch quá lớn có thể sẽ hạn chế cơ hội làm việc và thăng tiến của phụ nữ. Nghỉ hưu sớm thì tiền lương tham gia BHXH thấp hơn vì thời gian tham gia BHXH ngắn hơn... dẫn tới cuộc sống khi về già của phụ nữ khó khăn hơn nam giới.
Thứ ba, cố gắng bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của người lao động (NLĐ). Nhiều người lo ngại tuổi thọ của Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 thấp. Nhưng thực tế, theo đánh giá xếp hạng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với 183 nước, Việt Nam xếp thứ 41, với số năm khỏe mạnh trung bình là 17 năm sau tuổi 60, cao nhất Xin-ga-po là 21 năm và Nhật Bản 20,8 năm. Ngay tại 46 nước châu Á, Việt Nam chỉ đứng thứ 5 sau Xin-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, I-xra-en. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phụ nữ tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi có thể khả thi khi nhìn vào số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60.
Và cuối cùng, việc tăng tuổi nghỉ hưu bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ BHXH. Việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai vấn đề: Số năm hưởng BHXH ít đi giúp quỹ sẽ tốt lên, hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng cải thiện. Vì thế, đợt này, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu và đề xuất này để thể chế hóa NQ số 28 về cải cách chính sách BHXH.
Với lộ trình tăng tuổi hưu lên ba tháng mỗi năm, đến năm 2036 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60 và năm 2029 có lao động nam đầu tiên về hưu ở độ tuổi 62. Ở thời điểm năm 2021, dự kiến khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thì lao động nữ mới nghỉ hưu ở độ tuổi 55 tuổi 3 tháng và nam nghỉ hưu ở độ tuổi 60 tuổi 3 tháng.
Mai Anh