Phía trước mặt tiền khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh (nay là từ số nhà 158-178 đường Bình Quới) hiện nhiều nhà dân đang sử dụng…

Sau bài viết “Dấu hiệu thất thoát tài sản công không hề nhỏ” đăng tải trên Báo CCB Việt Nam, CCB Trần Gia Bảo tiếp tục phản ánh và đưa ra nhiều thông tin, chỉ rõ về số diện tích hàng nghìn mét vuông đất công tại khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh (cũ), phường 27, quận Bình Thạnh, T.P Hồ Chí Minh đã được “hô biến” thành “đất ông” một cách thần kỳ…

Đường đi của việc hô biến “đất công” thành “đất ông”

Sau khi dính vào vụ kiện đòi lại đất từ việc UBND TP. Hồ Chí Minh cấp sổ đỏ cho bà Võ Thị Nhe (đã chết năm 1968) do ông Võ Hồng Nho khai trình đứng tên vào năm 2002, CCB Trần Gia Bảo mới phát hiện đến Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) cấp cho ông Nho trùng lấn lên diện tích Sở Thủy sản thành phố và Công ty Phân bón miền Nam quản lý.

Tìm hiểu vụ việc, CCB Trần Gia Bảo cho hay: việc hoàn thiện hồ sơ cấp sổ đỏ có trách nhiệm của ông Đào Anh Kiệt và ông Đỗ Phi Hùng - nguyên Phó giám đốc Sở Địa chính Nhà đất TP. Hồ Chí Minh ở thời điểm năm 1997-2002.

Cụ thể, ngày 17-2-1997, ông Võ Hồng Nho và bà Huỳnh Thị Thanh có đơn xin cấp sổ đỏ đối với diện tích 1.443m2 đất tại khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tuy nhiên, sau 3 năm ông Nho chết (ông chết năm 1999), Sở Địa chính - Nhà đất mới hoàn thiện hồ sơ và xét cấp Sổ đỏ số 13222/2002, ngày 8-2-2002 cho bà Võ Thị Nhe, do ông Võ Hồng Nho đại diện đứng đơn khai trình.

Trong Hồ sơ xin cấp sổ đỏ của ông Võ Hồng Nho không có giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở. Cụ thể là không có Giấy phép xây dựng số 170/HC-1 do tỉnh trưởng Tỉnh Gia Định cấp ngày 16-6-1959 cho bà Võ Thị Nhe để xây dựng 2 kho chứa hàng theo đơn đề ngày 7-3-1959 của bà Nhe. Tuy nhiên, để hợp thức tài liệu này, ai đó ở Sở Địa chính Nhà đất đã đưa vào hồ sơ cấp sổ đỏ của diện tích xin cấp là 1.443m2 tại khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, bộ hồ sơ xin cấp sổ đỏ còn gồm có: Hộ khẩu và CMND; Bằng khoán địa bộ cũ; Chúc ngôn của bà Võ Thị Nhe (đã chết) ký năm 1968; Bản đồ hiện trạng số 42014/Đ-BĐ do Đoàn Đo đạc bản đồ lập ngày 7-9-1997 và bản đồ giải thửa.

Thế nhưng, oái ăm là diện tích xin cấp không trùng khớp với diện tích thể hiện tại Giấy phép xây dựng số 170/HC-1 do tỉnh trưởng Tỉnh Gia Định (chế độ Việt Nam Cộng hòa) cấp ngày 16-6-1959 cho bà Võ Thị Nhe xây dựng 2 kho chứa hàng.

Vì vậy, để hợp thức số diện tích cấp cho phù hợp đúng với diện tích trong Giấy phép 170/HC-1, ngày 22-1-1998, ông Đào Anh Kiệt - Phó giám đốc Sở Địa chính TP. Hồ Chí Minh ký duyệt Bản đồ hiện trạng vị trí số 15904/CN-ĐC bằng cách cắt bớt diện tích tại góc trái và góc phải của thửa đất đã được thể hiện tại Bản đồ hiện trạng lập ngày 7-9-1997, để diện tích thửa đất còn lại là 1.372m2.

Vẫn theo CCB Trần Gia Bảo, năm 2002 (sau khi ông Nho chết được 3 năm), Sở Địa chính Nhà đất T.P Hồ Chí Minh mới đưa Giấy phép số 170/HC-1 vào sử dụng lần thứ 2 để tạo căn cứ hoàn thiện hồ sơ và xét cấp sổ đỏ số 13222/2002 cho bà Võ Thị Nhe do ông Võ Hồng Nho đại diện đứng đơn khai trình.

“Giấy phép số 170/HC-1 không phải là giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở đối với phần đất diện tích 1.443m2 nằm tại mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh vì trước đó Giấy phép số 170/HC-1 đã được sử dụng trong hồ sơ cấp sổ đỏ số 1685/96 do UBND TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 27-5-1996 cho căn nhà ông Nho tự xây dựng từ năm 1974 trên diện tích 210m2 đất (theo Giấy phép số 170/HC-1) thuộc thửa đất số BK 196, 197 (Tài liệu 299/TTg) nằm cạnh bờ sông Sài Gòn. Trong khi hồ sơ xin cấp sổ đỏ của ông Võ Hồng Nho và bà Huỳnh Thị Thanh vào năm 2002 đối với 1.443m2 đất thể hiện tại thửa 192, 193 và một phần thửa 194 (Tài liệu 299/TTg) nằm ở phía mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 27, quận Bình Thạnh. Diện tích này thuộc đất Nhà nước đã Quốc hữu hóa và tịch thu sau năm 1975 để giao cho Sở Thủy sản thành phố và Công ty phân bón miền Nam quản lý, sử dụng nhằm phát triển kinh tế Nhà nước và còn có nhà ở của một số hộ dân đang hiện hữu sử dụng” - CCB Trần Gia Bảo chỉ rõ!

Tiếp tay cho việc hợp thức đất công thành “đất ông”, CCB Trần Gia Bảo còn cho rằng ngoài ông Đào Anh Kiệt ký, chứng thực một số giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ cấp sổ đỏ số 13222/2002 cho bà Võ Thị Nhe do ông Võ Hồng Nho đại diện đứng đơn khai trình, vào thời điểm năm 2002, cùng trong vụ việc này còn có có ông Đỗ Phi Hùng - Phó giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất T.P Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Phi Hùng là người ký Văn bản số 4723/CV-CCQNĐ ngày 26-4-2002 đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cấp sổ đỏ với diện tích 1.372m2 tại số 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 27, quận Bình Thạnh cho bà Võ Thị Nhe (chết năm 1968) do cháu là ông Võ Hồng Nho - đại diện đứng đơn khai trình.

Những vấn đề cần phải làm rõ trong hồ sơ trình cấp sổ đỏ!

Theo CCB Trần Gia Bảo, thì Văn bản số 4723/CV-CCQNĐ ngày 26-4-2002 của Sở Địa chính - Nhà đất do ông Đỗ Phi Hùng ký chứa những nội dung sai sự thật khách quan và xâm phạm tài sản nhà nước, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Văn bản số 4723/CV-CCQNĐ xác nhận tình trạng pháp lý khu đất là“không tranh chấp” trong khi thực tế đang có tranh chấp nhà ở với 9 hộ dân sinh sống tại khu đất mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ thập niên 90 của thế kỷ XX.

Thứ hai, xác nhận“Về đất ở: đương sự đã có đủ điều kiện xét công nhận quyền sử dụng đất” để đề nghị cấp sổ đỏ cho bà Võ Thị Nhe do ông Nho đại diện đứng đơn khai trình là cung cấp thông tin sai về pháp lý của khu đất mặt tiền đường 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 27, quận Bình Thạnh, T.P Hồ Chí Minh; bỏ qua các quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh liên quan đến quyền quản lý, sử dụng nhà, đất của đơn vị nhà nước được giao quản lý, sử dụng khu đất này, được thể hiện tại Quyết định số 1579/QĐ-UB ngày 11-9-1979, Quyết định số 1581/QĐ-UB ngày 11-9-1979 và Quyết định số 181/QĐ-UB ngày 4-7-1988 về giải quyết khiếu nại của ông Võ Hồng Nho (Báo CCB Việt Nam số 1584, ra ngày 19-3-2025 đã phản ánh về nội dung này, trong đó đề cập đến việc Nhà nước đã tịch thu và quốc hữu hóa Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa và Cơ sở đông lạnh Viễn Đông để giao cho Sở Thủy sản Thành phố và Công ty phân bón miền Nam quản lý, sử dụng).

Thứ ba, việc cấp quyền sử dụng đất ở cho người không sử dụng đất để ở, không có nhà ở trên đất. Bởi lẽ, căn cứ theo Sổ đỏ số 13222/2002, bà Võ Thị Nhe (do ông Võ Hồng Nho đại diện khai trình) được cấp quyền sử dụng đối với 1.372m2 đất thuộc loại đất ở. Trong khi tại Điều 52 Luật Đất đai 1993 và Khoản 1 Điều 6 Nghị định 04/2000/NĐ-CP, quy định: Đất ở chỉ được cấp cho cá nhân sử dụng làm nhà ở cùng các công trình phục vụ mục đích để ở. Căn cứ theo Tờ chúc ngôn lập ngày 20-11-1968 của bà Võ Thị Nhe và Giấy phép số 170/HC-1, bà Võ Thị Nhe và ông Võ Hồng Nho chưa từng sử dụng khu đất 1.372m2 nằm tại mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để làm nhà ở. Bà Võ Thị Nhe đã chết từ năm 1968. Ông Võ Hồng Nho đã được UBND thành phố cấp quyền sử dụng 210m2 đất ở theo sổ đỏ số 1685/96 vào ngày 27-5-1996. Như vậy, từ trước đến nay bà Võ Thị Nhe và ông Võ Hồng Nho không hề sử dụng khu đất diện tích 1.372m2 để làm nhà ở và trên đất cũng không có bất cứ căn nhà ở nào của bà Nhe và ông Nho.

Vì vậy, việc UBND TP. Hồ Chí Minh cấp quyền sử dụng 1.372m2 đất ở cho bà Võ Thị Nhe (do ông Võ Hồng Nho đại diện khai trình) theo  sổ đỏ số 13222/2002 vào ngày 8-5-2002 cần phải được xem xét, điều tra làm rõ.

Thứ tư, thực tế không tồn tại nhà ở trên đất nhưng lại xác nhận “Nhà kho hiện nay không còn sử dụng nhà kho nữa mà làm nhà ở”. Việc xác nhận này hoàn toàn trái ngược với Bản tường trình ngày 29-12-1995 của ông Võ Hồng Nho khi đề nghị chính quyền địa phương chứng thực và Văn bản số 117/VP ngày 13-4-1996 của Phòng Quản lý Đô thị quận Bình Thạnh, cho thấy thể hiện thông tin 2 nhà kho được xây dựng theo Giấy phép số 170/HC-1, được xác nhận đã mục nát và ông Nho đã dỡ bỏ để xây dựng lại một căn nhà khác trên nền hai nhà kho này vào thời điểm trước năm 1975. Căn nhà ông Nho tự xây cất thuộc thửa 196, 197 (Tài liệu 299/TTg) có vị trí nằm cạnh bờ sông Sài Gòn. Ngày 27-5-1996, UBND TP. Hồ Chí Minh đã cấp sổ đỏ số 1685/96 cho căn nhà này của ông Nho với diện tích 210m2. Vì vậy, căn nhà kho nằm trên thửa đất số 194 không phải là căn nhà kho được xây dựng theo Giấy phép số 170/HC-1.Trong diện tích 1.372m2 được cấp sổ đỏ số 13222/2002 chỉ có 1 nhà kho diện tích 15m x15m = 225m2do Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa (cũ) quản lý sử dụng làm văn phòng chứ không phải nhà kho được xây dựng theo Giấy phép 170/HC-1 và ông Võ Hồng Nho cũng không được sử dụng làm nhà ở như nội dung xác nhận tại Văn bản số 1158/UB-QLĐT ngày 18-3-2002 của UBND quận Bình Thạnh.

Từ những căn cứ trên, có thể hiểu diện tích 575,6m2 nhà ở được chứng nhận trong  sổ đỏ số 13222/2002 thực chất là diện tích Văn phòng của Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa, thể hiện diện tích  225m2 và 350,6m2 là nhà ở của 09 hộ dân ở mặt tiền đường 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 27, quận Bình Thạnh đã và đang sử dụng, quản lý từ những thập niên 90 của thế kỷ XX (Theo Bản vẽ hiện trạng ngày 21-9-2020 của Trung tâm đo đạc bản đồ T.P Hồ Chí Minh), thể hiện từ số nhà 158 đến 178 đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh. Thế nhưng, không hiểu “bằng chiêu trò ảo thuật” của ai đó đã “hô biến” thành một phần diện tích đất cấp cho cá nhân ông Võ Hồng Nho và bà Huỳnh Thị Thanh- mà thực chất diện tích đất này nói cho cùng thuộc tài sản do Sở Thủy sản thành phố và Công ty phân bón miền Nam được Nhà nước giao quản lý, sử dụng sau khi Nhà nước tịch thu và quốc hữu hóa Cơ sở đông lạnh Viễn Đông (cũ) và Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa vào những năm sau Giải phóng!

Cũng cần phải nhắc thêm: Giấy phép xây dựng 170/HC-1 cấp cho bà Nhe là từ thời Việt Nam cộng hòa (chế độ của  ngụy quyền), chỉ cho phép bà Nhe xây dựng kho chứa hàng, thời hạn của giấy phép là 1 năm mà không xây dựng thì hết hiệu lực liệu có giá trị sử dụng ở thời điểm Nhà nước Việt Nam XHCN để làm căn cứ cấp sổ đỏ là đất ở ?

Tư Hoành