Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 trao tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho ngư dân.
Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được triển khai từ đầu năm 2017, ở các xã, huyện đảo xa đất liền, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Hai năm qua, mô hình dân vận này đã tuyên truyền trực tiếp cho hàng nghìn cán bộ, nhân dân, học sinh các vùng biển đảo; cấp phát hàng nghìn tờ rơi và hàng trăm cuốn sổ tay tuyên truyền pháp luật cho ngư dân; thể hiện quy mô, ý nghĩa, sức lan tỏa của một mô hình đã được Bộ tư lệnh CSB ấp ủ từ lâu. Đây cũng là mô hình dân vận có tính tương tác cao, đòi hỏi trách nhiệm của tất cả các bên, gồm cán bộ chiến sĩ CBS, các địa phương, ngư dân và các doanh nghiệp đồng hành, trong bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an toàn hoạt động nghề cá và hoạt động kinh tế biển, duy trì thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Không chỉ là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển, lực lượng CSB còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng hành cùng ngư dân trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn biển, đảo.
Nhân dịp này, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB Việt Nam tặng Bằng khen cho cán bộ, chiến sĩ CSB, ngư dân tiêu biểu và 10 tổ chức chính trị, xã hội cùng các doanh nghiệp đã đồng hành với Bộ tư lệnh CSB trong hoạt động dân vận.
Trước đó, tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu điển hình tiến tiến của Lực lượng CSB tại Phủ chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã biểu dương Lực lượng CSB Việt Nam. Chủ tịch nhấn mạnh: Biển, đảo Việt Nam có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc. Vì vậy, từ những kết quả đã đạt được, Chủ tịch nước đề nghị Lực lượng CSB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, vận động các nguồn lực xã hội để đồng hành với ngư dân có chiều sâu và thực chất.
Thu Hà