Những thông tin về các vụ tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua đang làm nhức nhối mỗi chúng ta về những thiệt hại về tính mạng con người và tài sản của xã hội cũng như của công dân.
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chiều ngày 27-7-2010 tại đường ngang ở xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), tàu hoả đâm nát chiếc xe taxi làm năm người chết và bị thương nặng; 9 giờ sau tại đây lại xảy ra một vụ tai nạn nữa làm một người chết. Ngày 6-8-2010, tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xảy ra vụ ô tô và tàu hoả đâm nhau khiến cả hai tài xế ô tô và tàu hoả đều bị trọng thương, đầu máy và ba toa tàu hoả hỏng nặng và trật bánh, chiếc ô tô nát vụn; đường sắt Bắc- Nam bị tê liệt gần 10 giờ… Theo Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, so với cùng kỳ năm ngoái, sáu tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn giao thông đường sắt tăng 13,79%, số người chết tăng 19,19%, số người bị thương tăng 14,6%. Đặc biệt, tai nạn giao thông xảy ra tại đường ngang chiếm 236/264 tổng số vụ và Hà Nội là địa phương có số vụ tai nạn giao thông cao nhất, tiếp đó là các tỉnh khu vực miền Trung…
Ngành đường sắt và các địa phương liên quan đã làm khá nhiều để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang, nhất là các đường ngang dân sinh. Hàng trăm hệ thống cảnh báo bằng ánh sáng, bằng âm thanh; nhiều trạm gác đường ngang đã được lắp mới, hàng trăm ki-lô-mét rào ngang với số tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã được xây dựng tại các quãng đường xung yếu… tuy nhiên, những nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt vẫn chưa giảm được là bao. Đợt kiểm tra mới đây tại 1.381 đường ngang qua đường sắt cho thấy, vẫn còn hơn 82% số đường ngang vẫn còn những vấn đề bất cập về ATGT cần khắc phục, nhất là số đường ngang dân sinh không phép; đặc biệt nguy hiểm là tại một số nơi, khi ngành đường sắt làm rào chắn đường ngang dân sinh không phép thì ngay sau đó có những người thiếu ý thức đã lập tức dỡ bỏ hoặc làm đường ngang dân sinh không phép liền kề tại điểm bị rào chắn, vô hiệu hoá cố gắng của địa phương và ngành đường sắt… Không những thế, ngay tại Hà Nội và một số địa phương, tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt còn diễn ra rất phổ biến, họ lấn chiếm hành lang ATGTĐS để phơi quần áo, để bán hàng, bày hàng như là chỗ của riêng nhà mình. Rất nhiều người chủ quan đi qua đường sắt mà không hề chú ý các tín hiệu cảnh báo, vô tư vi phạm vượt đường sắt khi sắp có tàu chạy qua, đến khi ở giữa đường sắt thì tàu đến, cả lái tàu hoả và lái ô tô đều không kịp xử lý dẫn đến tai nạn thảm khốc như những trường hợp tai nạn đường sắt vừa qua… Rõ ràng là, sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông là một nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua.
Giải quyết vấn đề an toàn giao thông đường sắt rõ ràng là vấn đề không hề đơn giản, cần sự quan tâm đặc biệt và vào cuộc thật sự của các địa phương liên quan, của ngành đường sắt, cảnh sát giao thông cũng như của chính mỗi người tham gia giao thông. Những giải pháp xử lý vấn đề này đã được các cấp, các ngành chỉ ra, nhưng vấn đề là cần được thực hiện một cách rốt ráo, khẩn trương như kiên quyết ngăn chặn tình trạng mở thêm đường ngang dân sinh không phép và lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt; quy hoạch và xây dựng hệ thống đường gom, quy về đường ngang tập trung, giảm thiểu các đường ngang dân sinh; xây dựng tường ngăn cách đường bộ và đường sắt ở nơi dễ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, tăng cường công tác xử lý tình huống và trách nhiệm của người lái tàu… Vẫn biết rằng vấn đề này không hề đơn giản, cần rất nhiều thời gian và kinh phí nhưng chúng ta không thể không làm để giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt cũng như các hệ luỵ của nó gây ra với xã hội. Nhắc đến vấn đề này, không thể không nhắc đến người tham gia giao thông, việc chủ quan băng qua đường sắt khi đã có tín hiệu cảnh báo hoặc nhìn thấy tàu, nghe thấy tiếng còi tàu là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tai nạn.
Không thể vì nhanh chậm một vài phút mà đánh đổi cả cuộc đời của mình là điều người tham gia giao thông cần nhớ mỗi khi cần đi ngang qua đường sắt. Chấp hành tốt luật lệ giao thông là cẩm nang của mạng sống mỗi người khi tham gia giao thông, vì chính mình và vì gia đình, vì cộng đồng.
Vân Anh