Trủ trì buổi Lễ có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Hoàng Phong Hà, quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Nhiều bạn đọc ở trong và ngoài quân đội đều biết Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Tiến Bình là một trong các tác giả, các cây bút xuất sắc của quân đội, và nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều tiểu luận, bài viết của anh được đánh giá cao,… nhưng ít người biết rằng, anh đã từng là một người lính chiến thực thụ, từng trải qua những năm tháng gian khổ của chiến tranh, tham gia nhiều trận đánh ác liệt, đã lập nhiều chiến công; và chỉ một số anh em thân thiết mới biết trong những năm tháng chiến tranh, hằng ngày người lĩnh trẻ Nguyễn Tiến Bình đều ghi nhật ký. Trong đó, anh không chỉ viết về đường hành quân gian khổ, về các trận đánh, tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, về ý chí của một anh bộ đội Cụ Hồ đã chiến đấu với tâm nguyện sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì lý tưởng cách mạng, mà còn gửi vào đó nỗi niềm riêng tư, tình cảm quê hương, nỗi nhớ nhà, tình yêu thương cha mẹ già ở quê nhà và người em còn thơ dại.
Nhật ký chiến trường của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình giản dị, chân thực được viết trên hai cuốn sổ tay trong thời gian từ đầu năm 1970 đến cuối năm 1975 - từ khi tác giả lên đường ra trận cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Đó là gần sáu năm tác giả chiến đấu ở chiến trường - giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất, để đến ngày toàn thắng. Qua các trang nhật ký, bạn đọc sẽ biết về thế giới riêng vô cùng cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ thời chống Mỹ, cứu nước.
Ban Tổ chức trao tặng sách và quà cho gia đình Trung tướng Nguyễn Tiến Bình
Với gần 400 trang sách của cuốn nhật ký được xuất bản lần này, thì có tới 200 trang được tác giả ghi khi hoạt động ở chiến trường Cam-pu-chia, đây là những trang viết hào hùng, xúc động song cũng rất đau xót về những trận đánh, những chiến công cùng sự mất mát, hy sinh của đồng đội, đồng chí. Đặc biệt, từ góc nhìn của người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường nước bạn, từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Tiến Bình và đồng đội đã nhận ra bộ mặt phản bội, tráo trở của Khmer đỏ qua những biểu hiện bất thường, đặc biệt là khi đơn vị anh được lệnh hành quân về nước, lính Khmer đỏ đã phục kích bắn chết người đồng đội, người chỉ huy - Tham mưu trưởng của Đoàn 367.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Phong Hà, quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật nhấn mạnh: Với cuốn sách Nhật ký chiến trường, đã góp phần cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn về cuộc chiến, về sự phi thường của những con người bình thường ngoài trận tuyến, qua đó hun đúc thêm niềm tự hào, lòng yêu nước đối với những thế hệ người Việt Nam hôm nay.
Đọc cuốn sách này, tuổi trẻ hôm nay và các thế hệ mai sau càng hiểu thêm và tự hào về thế hệ cha anh đã cống hiến cả tuổi xuân và xương máu của mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, từ đó càng nâng cao niềm tự hào dân tộc, cũng như ý thức trách nhiệm của mình trước vận mệnh Tổ quốc khi biển Đông còn đang dậy sóng.
Hoàng Linh