Trong niềm hân hoan kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội, chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của Hội là một việc rất bổ ích. Truyền thống này đã được đúc kết trong dòng chữ: “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”, được ghi trên bức trướng mà BCH T.Ư Đảng tặng nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội.
Về “Trung thành”: Chúng ta nhớ lại hoàn cảnh thế giới và trong nước khi bắt đầu hình thành Hội. Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới diễn ra rất phức tạp, chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức gay gắt; nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, ảnh hưởng nhiều tới đời sống cán bộ và nhân dân; các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN ở nước ta. Trước tình hình đó, với tâm huyết và trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ, anh em CCB có nguyện vọng thiết tha, bức xúc là tập hợp lại thành một tổ chức thống nhất, hợp pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng để có điều kiện thuận lợi tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó của đông đảo CCB, ngày 6-12-1989, Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng, khóa VI đã quyết định thành lập Hội CCB Việt Nam.
Từ đó đến nay, Hội CCB đã kiên định và nhất quán thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng đầu là tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn trong nước, đại bộ phận cán bộ, hội viên luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Hội; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng thù địch, sai trái, bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng và Tổ quốc.
Hội đã cùng cơ quan chức năng kịp thời phát hiện hành động của các thế lực thù địch với các cấp ủy, chính quyền, có biện pháp ngăn chặn các hoạt động phá hoại. Các tổ chức Hội ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ, một số tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Hà Tĩnh… đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể vận động quần chúng đấu tranh làm thất bại âm mưu gây rối, phá hoại, bạo loạn theo đúng phương pháp xử lý của Nhà nước và pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Mới đây, trước hành vi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, Hội và toàn thể CCB đã tỏ rõ thái độ kiên quyết phản đối; đồng thời đẩy mạnh các phong trào ủng hộ Trường Sa, ủng hộ Cảnh sát biển, Kiểm ngư và bộ đội Hải quân.
Hội đã tích cực đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách, pháp luật, về các chương trình kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần xây dựng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hội đã tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an tham gia tăng cường lực lượng quốc phòng, giữ vững an ninh, giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhân dân; vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội. Hội đã tích cực tham gia xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền; nhất là ở cơ sở, được bầu giữ các chức vụ chủ chốt về Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
Từ những hoạt động trên, thể hiện rõ lòng trung thành của Hội đối với sự nghiệp cách mạng; thực hiện đúng mục tiêu: Trung thành là kim chỉ nam, là cốt lõi trong các hoạt động, là điều kiện tồn tại và phát triển của Hội.
Về Đoàn kết: Đoàn kết vốn là truyền thống hết sức quý báu trong chiến đấu của các CCB trong những năm tháng kháng chiến. Đoàn kết chiến đấu, sống chết có nhau đã được phát huy cao độ làm nên chiến thắng. Ngày nay trong hòa bình vẫn giữ truyền thống đó.
Hội đã tích cực phát huy tư tưởng đoàn kết và chủ trương thu hút đông đảo CCB vào Hội để phát huy tiềm năng to lớn của anh em, để Hội trở thành nơi hội tụ của tinh thần đồng đội. Thu hút các thế hệ CCB các thời kỳ, từ những đồng chí hoạt động trước Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc và trong xây dựng lực lượng vũ trang thời bình. Thu hút CCB đảm nhiệm công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp. Thu hút các cựu quân nhân nghĩa vụ vào các tổ chức quần chúng của Hội. Từ vài nghìn CCB ban đầu, nay Hội có 3 triệu hội viên, Hội đã hoàn thành được hệ thống đầy đủ từ T.Ư tới tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường, thôn, bản.
Đoàn kết là sức mạnh, chính đoàn kết mà tiềm năng chính trị, kinh tế, xã hội của CCB đã được phát huy và phát triển. Đoàn kết trên cơ sở thống nhất mục tiêu, Điều lệ Hội là đoàn kết vững bền và càng tăng cường sức mạnh hơn.
Về sáng tạo: Hội CCB là một tổ chức chính trị xã hội, nằm trong thành phần gồm những quân nhân xuất ngũ, chuyển ngành nên muốn thực hiện nhiệm vụ phải sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mới phát triển được. Hội đã phát huy sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như trong việc chăm lo quyền lợi, nâng cao đời sống CCB. Thể hiện là:
a/ Xóa đói, giảm nghèo: Sau chiến tranh, khi trở về địa phương, số đông CCB gặp khó khăn trong cuộc sống, 74% không có lương, phụ cấp; 77% thiếu vốn sản xuất, 35% gia đình CCB thuộc diện đói nghèo, nay giải quyết đói nghèo còn 2 đến 3%; nhiều nơi giải quyết xong đói ngèo.
b/ Nâng cao đời sống phát triển kinh tế: Đi vào sản xuất, CCB gặp hai khó khăn là vốn và kiến thức: Vốn đã từng bước hoàn thành các quỹ, giải quyết giúp nhau cây, con, giống, vốn và Ngân hàng Chính sách; từ đó đã khá hơn. Kiến thức phần nhiều CCB tự mày mò, học hỏi, tiếp thu khoa học kỹ thuật, công nghệ, mạnh dạn đi vào phát triển kinh tế một cách sáng tạo. Từ tổ đoàn kết sản xuất, tổ hợp tác lên Hội Doanh nhân CCB, Hiệp hội Doanh nhân CCB toàn quốc. Có thể thấy CCB không ngại khó khăn, gian khổ, lao động với quyết tâm cao, luôn luôn sáng tạo mới thành công. Từ đó khẳng định sáng tạo là cuộc sống, là thể hiện ý chí tự lực cánh sinh, phục vụ được cho đất nước.
Về Đổi mới: Ban đầu, Hội hoạt động chủ yếu dựa vào nhiệt tình cách mạng cùng với một số trí thức và đã đạt được nhiều thành tích. Tuy nhiên có mặt còn hạn chế; các cuộc tập huấn để nâng cao trình độ, nâng cao kiến thức, nhất là kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội đã làm thường xuyên. Các phong trào thi đua được phát động và có thành tích lớn. Nhưng do tình hình cách mạng phát triển nên phải đổi mới. Đưa hoạt động thành các chuyên đề. Hội đã xây dựng 5 chuyên đề để làm cơ sở cho các hoạt động của các cấp Hội.
Năm 2002, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB trong tình hình cách mạng mới”; sau đó Quốc hội ban hành Pháp lệnh Cựu chiến binh là một bước chỉ đạo đổi mới, nâng việc đổi mới của Hội lên một trình độ cao hơn. Hiện nay với chính sách đối ngoại của Đảng, nước ta chủ trương mở rộng hội nhập với quốc tế, thì quan hệ Hội với Hội CCB các nước cũng mở rộng hơn, với CCB Mỹ, Đức, I-ta-li-a và CCB các nước ASEAN… hoạt động đối ngoại của Hội được tăng cường.
Đổi mới là quá trình liên tục, không dừng lại, có đổi mới mới phát triển được, mới thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Truyền thống là công trình tổng hợp của các yếu tố: Trung thành, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, kết hợp các yếu tố thành một thể thống nhất mới tạo ra kết quả có ý nghĩa. Truyền thống là một công trình của tất cả hội viên CCB, cũng là của các thế hệ CCB, trải qua chiến đấu, công tác mà hình thành, không phải do ý muốn chủ quan của một cá nhân nào.
Truyền thống không phải là khẩu hiệu hình thức, một khái niệm xơ cứng, mà nó qua phản ánh thực tế, đúc kết được từ thực tế và gắn với thực tế, nên cần được phát triển, được bổ sung, bám vào các hoạt động thực tế của các cấp Hội, cán bộ, hội viên.
Đảng ta đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII; nước ta đang bước vào một thời kỳ mới với những thời cơ lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Đòi hỏi truyền thống phải được nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện để những lần kỷ niệm sau chúng ta sẽ vui mừng với những thành tích của Hội lớn hơn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Đ.Q.T