Chúng tôi nhận được điện thoại kêu cứu của anh Nguyễn Danh Trung, có địa chỉ tại xã Hưng Trung, Hưng Nguyên, Nghệ An gọi về từ Malaysia. Hiện anh Trung và 5 người, đang bị chủ lao động Malaysia nhốt chung vào một căn phòng. Nhờ báo Cựu chiến binh Việt Nam can thiệp và giúp đỡ để họ được trở về Việt Nam.
Qua điện thoại, anh Trung và những người khác cho biết: Họ là nông dân nghèo quê tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đi XKLĐ tại Malaysia. Nhưng khi sang đây thì công việc không đúng như thỏa thuận ban đầu. Không những thế, nơi ở quá tồi tệ, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Một người lao động khác nói: “Ngày thì vắt kiệt sức ở công xưởng, đêm về không thể ngủ được bởi phải nằm trên sàn nhà ẩm ướt và luôn bị bầy chuột tấn công”.Theo lời anh Trung và những người lao động đang ở Malaysia cho biết, họ được Công ty Đầu tư Hợp tác quốc tế Nam Việt (gọi tắt là công ty Nam Việt), có địa chỉ tại số 18 Nguyễn Thị Định, Tp Vinh, Nghệ An đưa sang Malaysia ngày 1/3/2018. Để đi được, mỗi người phải nộp cho Công ty Nam Việt 32 triệu đồng phí môi giới Trong chuyến đi này có 9 người cùng đi. Xem xét những bản “hợp đồng lao động” được người lao động Việt Nam ký trước khi xuất cảnh, chúng tôi thấy không hề có tên và địa chỉ của phía chủ sử dụng lao động Malaysia. Còn ở phần dành cho chủ sử dụng lao động và người lao động ký kết, chỉ có chữ ký và dấu lăn tay của người lao động. Tuyệt nhiên không hề có chữ ký, con dấu của chủ sử dụng lao động tại Malaysia. Hợp đồng không hề có chữ ký, con dấu của chủ sử dụng lao động tại Malaysia.
Giấy biên nhận tiền của các lao động
Các lao động bị nhốt tại Malaysia.
Chúng tôi đến địa chỉ 18 Nguyễn Thị Đinh, Tp Vinh, Nghệ An, thì tại đây chỉ có Công ty cổ phần quốc tế Kaizenvới các lĩnh vực xuất khẩu lao động và du học Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc đang hoạt động. Sau khi xem giấy biên nhận của Công ty Nam Việt thu tiền của người đi xuất khẩu tại Malaysia, người quản lý tại đây lắc đầu trả lời: “Không biết công ty Nam Việt nào cả”.
Chúng tôi liên lạc theo số điện thoại di động, được ghi trên giấy biên nhận tiền thì người nghe máy tự giới thiệu tên D, làm việc tại Công ty Nam Việt. Sau khi nghe chúng tôi trình bày muốn tìm hiểu để đi xuất khẩu lao động, thì anh D hẹn gặp tại địa chỉ: 18 Nguyễn Thị Định, Tp Vinh Nghệ An. Khi chúng tôi thắc mắc, anh D khẳng định: Công Ty Nam Việt chính là Công ty Kaizen. Cả hai công ty đều do bà Trịnh Thị Huyên điều hành và quản lý.
Sáng ngày 20/3/2018, tại trụ sở Công ty Kaizen có rất đông người đang đến đây để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Nhân viên tư vấn tên T cho chúng tôi biết “Hiện Công ty đang tuyển lao động đi làm việc tại Malaixia làm thợ cơ khí”. Nhân viên này khẳng định “Công ty Kaizen thành lập và hoạt động hơn 25 năm. Làm việc uy tín, không qua bất kì một môi giới nào.Hàng năm đưa từ 1000 – 1500 người lao động xuất cảnh qua Malaysia, chưa kể các nước khác”.
Theo thông tin của Sở Kế hoạch đầu tư Nghệ An, thì Công ty cổ phần Quốc tế Kaizen được đăng ký thành lập vào ngày 5/5/2017. Người đại diện pháp luật là bà Trịnh Thị Huyên. Còn Sở Lao động Thương binh & Xã hội Nghệ Anh cho biết: “Tại thời điểm hiện tại, thì Công ty Kaizen chưa được Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội cấp giấy phép hoạt động XKLĐ nước ngoài”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì trước đây, tại số 18 Nguyễn Thị Định, Tp Vinh, Nghệ An có Văn phòng đại diện của Công ty Nam Việt hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Văn phòng này do bà Trịnh Thị Huyên điều hành. Còn hiện nay, tại địa chỉ này chỉ có Công ty Kaizen đang hoạt động. Còn anh Nguyễn Danh Trung đi XKLD tại Malaysia qua sự xúc tiến, môi giới của Công ty Nam Việt. Nhưng thực chất, chính Công ty Kaizen đã thực hiện việc xuất khẩu lao động sang Malaysia đối với anh Trung và những người khác.
Đề nghị các cơ quan chức năng tại Nghệ An vào cuộc, kiểm tra làm rõ vấn đề để bảo vệ quyền lợi cho những người đi xuất khẩu lao động.
Thế Sơn