Trong hội nghị kéo dài một tuần này, các quan chức IAEA dự kiến thảo luận rộng rãi báo cáo do ông A-ma-nô soạn thảo về các vấn đề hạt nhân gây lo ngại của I-ran, Xy-ri cũng như các vấn đề liên quan đến khả năng hạt nhân của I-xra-en.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc IAEA Y-u-ki-y-a A-ma-nô đã chỉ trích Tê-hê-ran vì từ chối hai thanh sát viên hạt nhân của cơ quan này.

Ông nói: "Tôi rất lấy làm tiếc về quyết định của I-ran phản đối việc chỉ định hai thanh sát viên mới đây đã tiến hành thanh sát tại I-ran." Ông nhấn mạnh các quan chức IAEA không thể xác nhận rằng tất cả nhiên liệu hạt nhân ở I-ran đều nhằm mục đích hòa bình, viện lẽ rằng cơ quan này không có đủ thông tin.

Ông A-ma-nô đồng thời kêu gọi I-ran hợp tác hơn nữa trong việc làm rõ bản chất các hoạt động hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, I-ran đã phản bác báo cáo bằng văn bản của ông A-ma-no và những phát biểu tại hội nghị này là mang động cơ chính trị. Đại diện của I-ran tại IAEA Al-Asghar Soltanieh cho rằng đây không phải là báo cáo công bằng về I-ran, khiến người ta đặt dấu hỏi về uy tín của IAEA.

Liên quan đến khả năng hạt nhân của I-xra-en, báo cáo của IAEA nêu rõ rằng trong chuyến công tác tại I-xra-en vào cuối tháng trước, ông A-ma-nô đã mời nước này tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đồng thời đặt tất cả các cở sở hạt nhân của nước này dưới sự giám sát toàn diện của IAEA.

Trong khi đó, I-xra-en đã ban hành một chính sách hạt nhân đầy tham vọng, đồng thời không khẳng định, cũng không phủ nhận việc sở hữu các đầu đạn hạt nhân. Thái độ này của Israel đã vấp phải sự trỉ trích quyết liệt từ phía các quốc gia khác tại Trung Đông.

Bản báo cáo về Xy-ri tiếp tục đề cập đến nhiều vấn đề cần làm rõ liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, vì các cường quốc phương Tây vẫn nghi ngờ một cơ sở trên hoang mạc của xy-ri, bị I-xra-en đánh bom năm 2007, có thể là cơ sở hạt nhân bí mật phục vụ mục đích quân sự, bất chấp việc Xy-ri luôn khẳng định nước này chưa bao giờ có chương trình chế tạo bom hạt nhân.

Hội nghị Ban giám đốc gồm 35 quốc gia thành viên của IAEA cũng sẽ thảo luận các vấn đề khác như an toàn và an ninh hạt nhân, hợp tác công nghệ, ứng dụng hạt nhân cũng như chương trình làm việc và ngân sách hoạt động của cơ quan này.

TRÍ KIÊN