Hỗ trợ lợn giống phát triển sản xuất cho hộ nghèo xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ.
Cách đây vài năm, Thanh Lâm là xã ĐBKK của huyện Ba Chẽ, hơn 90% là người DTTS sinh sống, lạc hậu, đói nghèo. Từ khi thực hiện Đề án 196, Thanh Lâm là điểm sáng đầu tiên của tỉnh thoát khỏi diện ĐBKK sớm 1 năm so với lộ trình.
Để triển khai Đề án 196, cấp uỷ, chính quyền xã đã chủ động rà soát, điều tra nhu cầu phát triển kinh tế của người dân. Thông qua các trưởng thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất nâng cao thu nhập.
Do thiếu vốn nên anh Mễ Văn Cương (thôn Đồng Thầm) quanh quẩn mãi vẫn vòng vo trong đói nghèo. Nhờ nguồn vốn từ Đề án 196, anh Cương được hỗ trợ 15 triệu đồng mua lợn giống, mở rộng chuồng trại, tập huấn cách chăm sóc và phòng bệnh để đàn lợn phát triển tốt nhất. Sau 2 năm, gia đình anh Cương đã thoát ra được cái vòng nghèo đói, vươn lên phát triển kinh tế.
Từ nguồn vốn của Đề án 196, xã Thanh Lâm đã tập trung vào việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua dự án chăn nuôi lợn với tổng kinh phí 1,35 tỷ đồng, với 141 hộ tham gia nuôi 710 con lợn. Ngoài ra, xã còn tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập các nhóm nhận khai thác gỗ keo rừng; khuyến khích xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, như tre măng, trà hoa vàng, ba kích... để nâng cao thu nhập.
Ông Trần Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết: Đến cuối năm 2017, xã đã hoàn thành các tiêu chí để thoát khỏi diện 135 cả về đời sống; hạ tầng kinh tế và văn hóa xã hội. Cán bộ và nhân dân Thanh Lâm đang quyết tâm năm 2018 xã sẽ đạt 5 tiêu chí với 9 chỉ tiêu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Lãnh Thế Vinh - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đề án 196 được tỉnh phê duyệt đầu năm 2017, tổng kinh phí trên 1.300 tỷ đồng. Mục tiêu chung là đến hết năm 2020, đưa 22 xã và 11 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực I, II trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Hoàng Quý**
**