Thời gian gần đây, nước ta liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum. Năm 2020, chùm ca ngộ độc do ăn pate chay tại Hà Nội; mới nhất là 6 người tại T.P Hồ Chí Minh bị ngộ độc botulinum, trong đó 5 người sau khi ăn giò lụa bán dạo và một người sau ăn mắm. Để tránh tình trạng ngộ độc do độc tố botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi sử dụng các loại thực phẩm.
Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; đặc biệt, khi xu hướng sử dụng túi hút chân không chứa đựng thực phẩm gia tăng, không đun chín kỹ thức ăn trước ăn sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.
Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.
Các bác sĩ cho rằng, sự thay đổi thói quen ăn uống, chế biến thực phẩm so với truyền thống có thể gây ngộ độc nhiều hơn. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ví dụ: Ngày xưa gói giò chả bằng lá chuối thoáng khí, nay thay bằng túi nylon, bọc kín, hút chân không để bảo quản lâu ngày, vô tình tạo môi trường yếm khí sinh độc tố.
Còn bác sĩ Doãn Uyên Vy - Phó đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng: Lưu trữ, bảo quản đồ ăn không đúng cách dễ nhiễm độc. Như trước đây mọi người chế biến món ăn tươi sống và dùng trong ngày, ít nguy cơ ngộ độc. Nay, cuộc sống hiện đại, đồ ăn sẵn bán nhiều, thực phẩm tích trữ lâu ngày trong tủ lạnh, nếu khâu chế biến, bảo quản không an toàn, nguy cơ ngộ độc rất cao.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín.
Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Cục An toàn thực phẩm nêu rõ: Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thành An