Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động do Chính phủ ban hành phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%.

Theo số liệu của Cục Thống kê ngày 6-4, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I-2025 ước tính là 52,9 triệu người, lao động có việc làm ước tính 51,9 triệu (giảm 234.000 người so với quý IV-2024). Trong đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 3,9% (đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi, chiếm 46,8%); đặc biệt, số thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 1,35 triệu người, chiếm 10,4% tổng số thanh niên (tăng 84,4 nghìn người so với quý trước và giảm 66,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Trong những năm gần đây, thị trường lao động Việt Nam đang trải qua một tình trạng đầy thách thức: Nguồn nhân lực “vừa thừa vừa thiếu”. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong nhiều nền kinh tế đang phát triển, nhưng tại Việt Nam, vấn đề này còn có những đặc thù riêng biệt gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cả người lao động.

Thực trạng thừa lao động

Trong quý I-2025, xét theo khu vực kinh tế thì khu vực dịch vụ có tỷ trọng lao động cao nhất 40,7% (tương đương 21,1 triệu người có việc làm), trong khi đó hai khu vực công nghiệp xây dựng là 33,3% (tương đương 17,3 triệu người); nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất 26% (tương đương 13,5 triệu người).

Tình trạng lao động phổ thông dư thừa, bao gồm cả lao động nông thôn di cư lên thành phố và lao động trẻ em sau khi tốt nghiệp trung học. Nhóm này thường không có kỹ năng chuyên môn hoặc đào tạo nghề cụ thể, khiến họ chỉ có thể đảm nhận các công việc đơn giản, lao động chân tay mà không yêu cầu trình độ kỹ thuật cao. Nguyên nhân do sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền dẫn đến sự chênh lệch lớn về cơ hội việc làm giữa các địa phương. Các thành phố lớn như Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội việc làm trong khi các tỉnh lẻ, đặc biệt là khu vực nông thôn, lại có rất ít cơ hội, dẫn đến việc dư thừa lao động ở các khu vực này. Ngoài ra, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ diễn ra không đồng đều và còn nhiều vướng mắc. Sự chậm trễ trong việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới làm hạn chế sự hấp thụ lao động từ nông nghiệp, khiến nguồn lao động này trở nên dư thừa.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang ở mức cao. Nguyên nhân chính là do sự không khớp giữa kỹ năng đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động, cũng như sự thiếu hụt của các kỹ năng mềm và kỹ năng thực tiễn. Nhiều ngành học vẫn tập trung quá nhiều vào lý thuyết mà thiếu đi phần thực hành, khiến sinh viên ra trường không có đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc.

Thực trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I-2025 là 28,8%. Có thể thấy sự thiếu hụt rõ rệt nguồn lao động kỹ thuật cao trong các ngành như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ khí và tự động hóa, chuyên gia trong các lĩnh vực như tài chính, quản trị kinh doanh, y tế, và giáo dục. Đây là những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn mà thị trường lao động hiện tại không đáp ứng đủ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao là do hệ thống giáo dục chưa thể cập nhật kịp xu hướng và yêu cầu của các ngành công nghệ mới. Sự thiếu đầu tư cho giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học) và giáo dục nghề là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra,nhiều chuyên gia và người có trình độ cao chọn cơ hội làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài do môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ tốt hơn do môi trường làm việc và chính sách nhân sự tại nhiều công ty trong nước chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người lao động có kỹ năng cao, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế khi họ có nhiều lựa chọn hơn ở các thị trường lao động phát triển. Hiện tượng “chảy máu chất xám” ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nhân lực trong nước.

Thiếu nhân lực chất lượng cao tiếp tục là bài toàn khó bao phủ lên thị trường lao động và nhiều doanh nghiệp dù đã đưa ra tiêu chí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn, nhưng vẫn chưa tìm được lao động phù hợp với những ngành nghề mới. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời để đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng công nghệ thông tin, nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như khó cải thiện năng suất lao động…

Ngày 1-4, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghe báo cáo cập nhật kiến thức và cho ý kiến hoàn thiện chuyên đề về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tổng Bí thư khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là "lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân".

Trong bối cảnh hiện tại, cần có các giải pháp kịp thời để đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ thông tin để tránh tình trạng dư thừa lao động trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, dẫn tới nguy cơ khó kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp. Đặc biệt trong những lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động lớn của cuộc cách mạng chuyển đổi số có khả năng làm xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.

Bên cạnh đó, người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi... Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào công việc để nâng cao năng suất lao động.

Hồ Thanh Hương