Việc mua bảo hiểm thực tế là một nhu cầu (bảo hiểm tự nguyện các loại). Tuy nhiên, trong việc mua bảo hiểm cũng không do ai ép ai, người mua có quyền tự do lựa chọn hãng bảo hiểm để mua, hoặc cảm thấy không thích mua – tùy! Hiện trong nước ta ngoài việc mua bảo hiểm tự nguyện còn việc phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với một số đối tượng, như: Người lao động được kí hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên là phải tham gia bảo hiểm xã hội và học sinh, sinh viên bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế.
Để người tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp bán bảo hiểm phải tuân thủ một cách triệt để, Luật kinh doanh bảo hiểm, ghi rõ: “… Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được hợp tác và cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh bảo hiểm…” (điều 10; điều 124); bên mua bảo hiểm có quyền “… lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm …” (điểm a, khoản 1, điều 18); các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm là “… ép buộc giao kết hợp đồng…” (khoản 4, điều 24). Bên cạnh đó, Luật cạnh tranh có qui định về các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước, đó là: “… 1- Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định…; 2- Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp…”. Cũng xin nhấn mạnh lại rằng việc mua bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện thì trong luật bảo hiểm ghi rõ đối tượng nào phải thực hiện. Tuy nhiên, không hiểu sao ngày 27-5-2011, Sở Giáo dục – Đào tạo và Bảo Việt (Hưng Yên) đã phối kết hợp ra văn bản số 01HD/GD-BV, do hai giám đốc cùng kí và đóng dấu: Đặng Quang Hòa (GĐBV) và TH.S Nguyễn Văn Tám ( GĐ Sở GD-ĐT), về “hướng dẫn thực hiện giao ước thi đua về công tác bảo hiểm cán bộ, giáo viên và học sinh năm học 2011-2012”.
Trong văn bản hướng dẫn có đoạn: “Để tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác bảo hiểm… mang tính giáo dục cao, đảm bảo an toàn về tài chính và quyền lợi của các đối tượng… góp phần bảo đảm lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm trên địa bàn”. Về phần mục tiêu, bản hướng dẫn có ghi: “Nâng cao tỉ lệ cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia bảo hiểm vì quyền lợi… và phong trào chung (phấn đấu có 100% cán bộ, giáo viên và trên 80% học sinh tham gia), theo đó số lượng tập thể và cá nhân được khen thưởng tăng từ 20% trở lên so với năm 2010-2011…”; Trong phần nội dung phối hợp thực hiện, bản hướng dẫn ghi rõ: “Chỉ đạo tuyên truyền, vận động và triển khai đến các đơn vị giáo dục trong toàn ngành… Chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra các nhà trường trong quá trình tuyên truyền vận động… Cử cán bộ theo dõi công tác bảo hiểm và thường xuyên kết hợp cùng Bảo Việt đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời báo cáo lãnh đạo hai ngành và UBND tỉnh…”.
Qua qui định của Luật Bảo hiểm, bản “hướng dẫn” của Sở Giáo dục – Đào tạo và Bảo Việt (Hưng Yên) thì không biết ngành giáo dục – đào tạo cũng như Bảo Việt Hưng Yên nắm rõ luật bảo hiểm đến mức độ nào. Hơn nữa, đây có phải là chủ trương của tỉnh Hưng Yên không mà hai đơn vị trên luôn lấy UBND tỉnh ra làm “Định hướng”? Như trên đã đề cập, ngoài những loại bảo hiểm bắt buộc thì các loại hình bảo hiểm đều mang tính tự nguyện. Không biết trong văn bản hướng dẫn của đầu ngành giáo dục Hưng Yên vận động đối tượng tham gia bảo hiểm là loại hình bảo hiểm gì? Nếu là bảo hiểm bắt buộc thì cần gì phải vận động và nếu là tham gia bảo hiểm tự nguyện thì tại sao lại phải xen kẽ cả việc “chỉ đạo, đôn đốc, thành tích… đối với các nhà trường”, hơn thế là có dấu hiệu “nhắc nhở” như “để kịp thời báo cáo lãnh đạo hai ngành và UBND tỉnh”.
Thiết nghĩ, có lẽ đây không phải là chủ trương của tỉnh, mà do một số cá nhân đã lợi dụng chức quyền phối kết hợp để trục lợi không chính đáng, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân – đặc biệt là đi trái pháp luật.
Người Dân – Hoàng Tài