Đuối nước là tình trạng bị ngạt khí khi ở trong môi trường lỏng.
Mới đầu hè, nhưng những ngày qua đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có hiểu biết về đuối nước và cách sơ cứu đúng cách.
Đuối nước là tình trạng bị ngạt khí khi ở trong môi trường lỏng. Đuối nước gây ra tình trạng thiếu oxy của các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan sống còn. Đuối nước có thể làm tổn thương nhiều cơ quan, bao gồm cả phổi và não. Cấp cứu đuối nước là hỗ trợ, bao gồm hồi phục tình trạng ngừng hô hấp và ngừng tim, giảm oxy máu, hạ huyết áp và hạ thân nhiệt.
Trên phạm vi toàn thế giới, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Dấu hiệu đuối nước
Nạn nhân ở dưới nước hoặc sắp có nguy cơ bị chìm, dấu hiệu bị sặc nước như: Ho dữ dội, sặc sụa, mặt đỏ hoặc tím, khó thở hoặc ngừng thở. Bất tỉnh do ngừng thở, ngừng tim. Trẻ em không biết bơi có thể bị chìm trong thời gian chưa đến 1 phút, nhanh hơn so với người lớn.
Sau khi được cứu, bệnh nhân thường gặp tình trạng lo lắng, nôn, thở khò khè và ý thức thay đổi. Bệnh nhân có thể bị suy hô hấp với dấu hiệu thở nhanh, co kéo liên sườn, hoặc tím tái. Các triệu chứng về hô hấp đôi khi bị trì hoãn đến 6 giờ sau khi ngập trong nước.
Sơ cứu tại chỗ người bị đuối nước
Theo BS. CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng T.P Hồ Chí Minh: Phần lớn các nạn nhân bị đuối nước khi đưa đến cấp cứu tại bệnh viện đều không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách trước đó, dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu oxy.
Chính vì thế, sơ cứu tại chỗ trước và đúng kỹ thuật rất quan trọng. Để phòng ngừa và xử trí đúng khi trẻ bị đuối nước, Bác sĩ Tiến nhắc nhở phụ huynh cần nắm các cách sơ cấp cứu sau:
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên.
- Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt trong 2 phút rồi đánh giá lại xem nạn nhân có thở lại được không? Có phản ứng không? Nếu không, phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài.
- Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Kỹ thuật ép tim
Quỳ hoặc đứng bên cạnh nạn nhân, đặt gót bàn tay vào giữa ngực nạn nhân, ở nửa dưới xương ức, gót bàn tay còn lại đặt lên trên bàn tay trước. Quá trình ép khuỷu tay phải thẳng, dùng sức nặng 1/2 thân trên của người cứu hộ để tạo lực ép.
Đối với người lớn và trẻ trên 8 tuổi: dùng hai tay chồng lên nhau ấn thẳng xuống xương ức, sâu xuống 5-6cm. Trẻ 1-8 tuổi dùng một tay ấn sâu 3-4cm. Trẻ 0-12 tháng tuổi dùng 2 ngón tay sâu xuống 1-2cm.
Kỹ thuật thổi ngạt
Đặt nạn nhân ở tư thế ngửa cổ, người cứu hộ dùng 2 ngón tay bịt chặt mũi nạn nhân lại, ngửa mặt hít một hơi dài, áp miệng vào miệng nạn nhân thổi vào trong khoảng 2 giây. Làm lại tương tự 2 lần liên tiếp.
Sau thổi ngạt 2 lần, tiếp tục ép tim, tỉ lệ ép tim, thổi ngạt là 30:2. Sau 5 chu kỳ ép tim - thổi ngạt, kiểm tra lại mạch trong 5 giây, rồi làm tiếp cho đến khi tim đập và thở trở lại.
Bác sĩ Tiến lưu ý: Tránh dốc ngược nạn nhân, bởi việc dốc ngược một người bị đuối nước ngưng tim, ngưng thở chạy vòng vòng không làm nước trong phổi chảy ra ngoài, ngược lại rất có thể dẫn đến việc rút ngắn thời gian vàng cung cấp oxy cho não, tăng tỉ lệ tử vong và di chứng tổn thương não do thiếu oxy không hồi phục. Có thể làm dịch trong dạ dày trào ra ngoài, tăng nguy cơ hít sặc.
Thành An