Kết luận số 66 ngày 4-3-2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện NQ 09 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Hội CCB chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các ngành chức năng cùng cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để tập hợp những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương, đơn vị sinh hoạt trong các CLB CQN ở cơ sở. Chính quyền địa phương, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để các CLB CQN ở cơ sở hoạt động có hiệu quả”. Pháp lệnh Cựu chiến binh; Nghị định 150 của Chính phủ; Thông tư liên tịch Số 127 ngày 24-8-2007 về hướng dẫn vận động, tập hợp CQN tham gia các CLB, ban liên lạc CQN ở cơ sở, đã quy định rõ: Mục đích tập hợp CQN; đối tượng vận động, hình thức tổ chức tập hợp; nguyên tắc hoạt động, nội dung hoạt động của CLB, ban liên lạc CQN. Hội CCB đã căn cứ vào nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật quy định về tập hợp CQN, làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với cơ quan quân sự, Đoàn Thanh niên, tuyên truyền, vận động tập hợp CQN tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương. Động viên CQN phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tiềm năng phong phú của CQN xung kích trong các hoạt động chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở địa phương, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa ở khu dân cư, xung kích trong lao động sản xuất, làm thủy lợi, làm đường giao thông nông thôn, ứng dụng KH-KT vào sản xuất, đưa cây, con, giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng ở địa phương…
Lãnh đạo nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho CLB CQN hoạt động, tạo việc làm để có thêm nguồn kinh phí như giao ao hồ, mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đất, rừng để sản xuất, quản lý chợ, trông giữ xe, làm các công trình của địa phương… Để có nguồn thu, một số địa phương đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho CLB CQN hoạt động. Trong các hội nghị giao ban phổ biến tình hình nhiệm vụ, các cuộc họp với các đoàn thể, một số địa phương chủ trương mời chủ nhiệm CLB CQN dự họp để quán triệt và triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của địa phương. Hội CCB, cơ quan quân sự, Đoàn Thanh niên, đã phối hợp chặt chẽ trong việc phổ biến tình hình nhiệm vụ, thông báo tin tức thời sự cho CQN để duy trì hoạt động đúng hướng, có hiệu quả. Do được quan tâm nên CQN rất phấn khởi, tích cực tham gia vào các CLB, xung kích trong các phong trào của địa phương. Qua rèn luyện thử thách, nhiều CQN đã được kết nạp vào Đảng, được bồi dưỡng trở thành những cán bộ chủ chốt ở cơ sở, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao về vai trò xung kích, hiệu quả hoạt động của các CLB. Cùng với những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm hay cần được nhân rộng cũng còn những tồn tại vướng mắc, một số địa phương đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về tập hợp và chỉ đạo hoạt động đối với các CLB CQN. T.Ư Hội CCB cũng đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về tổ chức vào hoạt động của CQN ở Hải Dương.
Để thực hiện Kết luận 66, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã có Công văn số 510 ngày 25-4-2010 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp với Hội CCB các cấp làm tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả Thông tư 127 về tập hợp vào hoạt động của CQN trong các CLB, ban liên lạc đúng hướng có hiệu quả. Dựa trên những kinh nghiệm đã được tổng kết tiếp tục phát huy những kinh nghiệm hay, cách làm tốt để nhân rộng, rút kinh nghiệm khắc phục những cái chưa phù hợp. Phát triển mô hình Hội CQN là một thành phần trong Hội CCB… là không phù hợp với Nghị quyết của Đảng và quy định của pháp luật.
Phạm Hữu Bồng
Phó chủ tịch Thường trực Hội CCB Việt Nam