Anh Dương Văn Thanh (Bảy Thanh), sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Năm 16 tuổi, anh tham gia du kích chiến đấu bảo vệ quê hương. Nay anh Bảy Thanh bước sang tuổi 68, ngụ ở ấp Mỹ Hiệp 1, Tân Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, đã gây dựng nên trang trại sản xuất khóm (dứa) Cầu Đúc quy mô lớn nhất ĐBSCL với diện tích trên 100ha, doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng khóm bạt ngàn trái, hai bên đường, cạnh những lô khóm mới trồng vẫn còn khoảng rừng cây tạp rậm rạp ken dày cây tràm gió, ô rô, dây choại. Anh nói: “Khi chưa khai hoang, đất khóm cũng rậm rì, gốc tràm và rễ cây dại chằng chịt. Nhát cuốc bổ mạnh xuống đất, nhưng gặp rễ cây, gặp gốc tràm, lưỡi cuốc bật tung lên. Cứ vài ngày lại đi rèn lại lưỡi cuốc. Để có một thước vuông lên liếp trồng khóm thật là cơ cực. Đất rừng hoang lâu năm bị nhiễm phèn nặng, phải đào kênh, đắp bờ, rửa chua ém phèn. Những lô đã trồng khóm kia là đất đã “ngọt hóa” rồi đấy”. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh đã tích góp được số tiền khoảng 8 triệu đồng để mua thêm 1,3ha đất để mở rộng diện tích trồng khóm.
Năm 1990, anh quyết định mua chiếc ghe 6 tấn để chở khóm đi bán lẻ khắp các tỉnh ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Do siêng năng và sáng trí, anh học được cách thu mua, buôn khóm, học cách bán sỉ, bán lẻ, mua tận gốc bán tận ngọn. Việc làm ăn ngày càng thuận lợi, anh Bảy Thanh quyết định mở cơ sở thu mua nông sản để vận chuyển, tiêu thụ khóm bằng xe. Anh so sánh: Mở cơ sở thu mua nên mỗi ngày cơ sở tiêu thụ trên 100 tấn khóm, vận chuyển bằng xe vừa rút ngắn được thời gian, vừa tiết kiệm chi phí. Trước đây, đi buôn 7 ngày trở lên mà chỉ được 30 tấn khóm, còn bây giờ thì chỉ mất 1 ngày, 1 đêm mà vận chuyển cung cấp cả 100 tấn khóm cho nhà máy. Mỗi chuyến trừ chi phí thuê xe lãi trên 10 triệu đồng. Sau nhiều năm thành công trong sản xuất kinh doanh, từ năm 1995-2000, cơ sở của anh vay 1,5 tỷ đồng để mua 3 xe tải loại 8-10 tấn, 5 chiếc ghe 20-40 tấn để phục vụ cho việc kinh doanh.
Anh Bảy Thanh trở thành tỷ phú khóm Cầu Đúc, nhiều lần đi dự hội nghị và báo cáo điển hình tiên tiến tại Thủ đô Hà Nội. Đồng đội Hội CCB tỉnh Hậu Giang thường gọi bằng cái tên thân mật “Bảy khóm”, còn người dân quanh vùng gọi anh là “Vua khóm Cầu Đúc”.
Kết hợp đứng cả hai chân, cả sản xuất và kinh doanh. Năm 2003, anh Bảy Thanh thành lập Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh, chuyên sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản chính là khóm. Việc làm ăn được thuận lợi, nhận thấy trái khóm rộng đầu ra nên năm 2006, anh quyết định ký hợp đồng để khai thác 100ha đất của Trại giam Kênh Năm (Cục V26-Bộ Công an) để trồng khóm trong thời gian 20 năm. Anh Thanh nói thêm: “Vùng này đất phèn ngoài trồng khóm ra thì chẳng còn trồng được cây gì nữa. Để có được 100ha cho trái như ngày hôm nay, tôi đã mất rất nhiều công sức cải tạo vườn tạp”. Từ sản xuất mang lại hiệu quả, anh Bảy Thanh quyết định bỏ ra gần 3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, đào kênh rãnh, xây dựng toàn bộ hệ thống đê bao khép kín, rải đường bê tông kiên cố bao trang trại để chủ động nguồn nước tưới tiêu cũng như vận chuyển khóm khi thu hoạch.
Hiện nay, với tổng diện tích trên 100ha, mỗi năm doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh bỏ mối cho các nhà máy chế biến ở ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh… trên 25.000 tấn khóm, tính với doanh thu khoảng trên 80 tỷ đồng/năm. Nhưng điều làm ông vui sướng nhất chính là tạo việc làm cho 30-60 lao động là con em gia đình liệt sĩ, thương binh, dân nghèo với thu nhập từ 3-4,5 triệu đồng/tháng. Năm 2010, anh Bảy Thanh quyết định lên Tây Ninh để thuê 20ha đất để trồng khóm thí điểm và đến nay lợi nhuận mang lại cao nên ông dự định thuê tiếp 20ha nữa để mở rộng vùng nguyên liệu. Anh Bảy Thanh cho biết thêm: “Trong tương lai sẽ mở rộng thuê đất ở vùng đất mới này lên hàng trăm héc-ta, nhằm hướng đến hội nhập và xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao vị thế của thương hiệu khóm Cầu Đúc ở thị trường ngoài nước”.
Bài và ảnh: Nghi Phương