Đưa Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tối đa, góp phần tạo ra môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Ngày 1-1-2025, Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế mang tính đặc thù của T.P Hà Nội. Đây chính là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Được đánh giá là đạo luật phân cấp, phân quyền, Luật Thủ đô năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá, có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan với những điều kiện đặc thù. Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô theo phương hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật. Luật Thủ đô tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội. Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường.

Luật Thủ đô năm 2024 xác định rõ một số định hướng lớn phát triển Hà Nội như lấy sông Hồng là trục cảnh quan xanh, trung tâm, phát triển đô thị cả hai bên sông Hồng; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng... Những định hướng này là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực, phát triển hệ thống đô thị, thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Để triển khai thi hành Luật Thủ đô, đưa luật vào cuộc sống, hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô xứng tầm, Chủ tịch UBND T.P Hà Nội - Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công văn số 2565/UBND-NC về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Theo đó, UBND T.P Hà Nội yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và T.P Hà Nội xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô.

Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp của thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn thành phố để thống nhất nhận thức và quyết tâm triển khai thực hiện, trở thành những đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp thông qua các cuộc thi tìm hiểu, các hội thảo, tọa đàm, đưa vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Thủ đô năm 2024 tạo xung lực mới, không gian mới, để Thủ đô phát triển toàn diện, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Vì hoà bình, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết tôn trọng và tự giác tuân thủ Luật Thủ đô năm 2024.

Là một tổ chức chính trị - xã hội, Hội CCB T.P Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân về Luật Thủ đô năm 2024. Thiếu tướng Lê Như Đức - Chủ tịch Hội CCB thành phố phấn khởi cho biết: “Luật Thủ đô là điểm tựa để Hà Nội hướng tới xây dựng Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới. Luật Thủ đô là “cơ hội vàng” định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. Đây là những quy định tạo triết lý, quan điểm, định hướng, không gian phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới”.

Thủ đô là trái tim của đất nước, là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia. Luật Thủ đô năm 2024 là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện hóa mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, đưa Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của quốc gia.

Hồ Thanh Hương