Ngàn dặm biên cương, ngàn dặm biển
Trùng trùng sóng núi, sóng khơi xa
Xưa khói Cam Tuyền bay đỉnh núi
Nay đài phong hỏa mọc Hoàng Sa!

Vừa mới hôm nào sang thăm hỏi
Chén anh, chén chú, chén quan hà
Cười rằng, môi hở thì răng lạnh
Nỡ về quấy đục nước Trường Sa!

Cái món “Lưỡi bò” xơi khó thật
Thì cầm sang tận mâm người ta
Biển Đông, trời đã chia thiên hạ
Lại toan đem về làm ao nhà!

Luôn nói, tiểu nhân mới dùng sức
Cổ kim, nhân đức vững sơn hà
Luôn bảo, láng giềng nên hữu hảo
Lại xúm vào đâm tàu người ta?

Đông Chu liệt quốc không còn nữa
Sao dùng “Bá đạo” thời “Cộng hòa”?
Bách gia chư tử đi đâu cả
Chỉ toàn thủ túc thế thôi a?

Ngàn năm nóng rét miền biên ải
Nay còn ra biển dựng phong ba!
Sao không đọc lại Đường thi nhỉ
Chinh chiến xưa nay, ai về nhà? (1)

Quan ải máu nhiều như nước biển
Mà vua vẫn đòi nước rộng ra
Nào biết Sơn Đông, trăm châu huyện
Thưa người, cỏ ngập khắp đồng xa (2)

Ước gặp láng giềng trong tiệc lớn
Cùng nhau vui cạn chén Hoàng hoa
Trai tráng hai nhà ôm nhau hát
Không cần tên lửa, chẳng AK!
5/2014

Đỗ Trung Lai

Chú thích:
(1): “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Đường thi - Lương Châu từ - Vương Hàn - nghĩa là: “Xưa nay chinh chiến mấy ai về!”)
(2): “Biên đình lưu huyết thành hải thủy/Vũ Hoàng khai biên ý vị dĩ/Quân bất văn/Hán gia Sơn Đông nhị bách châu/Thiên thôn vạn lạc sinh kinh kỷ” (Đường thi - Binh xa hành - Đỗ Phủ - nghĩa là: “Chốn biên đình, máu đã chảy nhiều như nước biển. Thế mà vua ta còn chưa thôi ý định mở rộng biên thùy! Ông nghe không: Hai trăm châu huyện tỉnh Sơn Đông nước mình, gai góc, cỏ dại đã mọc đầy ngàn xóm thôn, đồng bãi!”).