Ông Trần Đình Dầu.
Chiến tranh đã lùi xa 46 năm nhưng tàn dư chiến tranh vẫn còn để lại rất nặng nề cho xã hội. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn’’, từ sau hòa bình đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với Người có công, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên việc xét chế độ cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đâu đó vẫn còn bất cập, thiếu công bằng; số người chưa được hưởng chế độ vẫn còn nhiều và hầu hết họ đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, quỹ thời gian đối với họ còn rất ít... Điều mong muốn của họ là sớm được Nhà nước quan tâm xét cho hưởng chế độ ở những năm tháng còn lại của cuộc đời. Trong số đó người còn, người mới mất, có người còn mang trên mình bệnh tật…, gây sự thiệt thòi.
Ở xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là một ví dụ. Xã này có nhiều trường hợp, nếu căn cứ vào 17 bệnh do Bộ Y tế quy định để xét duyệt đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vẫn còn chưa hợp lý. Bởi trong thực tế, nhiều người không đi bộ đội vẫn vô sinh (có nhà tới 2 người), con dị dạng, bị thần kinh ngoại biên, ung thư, bệnh tiểu đường tuýp 2... Thêm nữa, các trường hợp dù được khám, kết luận mắc 1 trong 17 bệnh do Bộ Y tế quy định, nhưng hồ sơ thiếu một trong các loại giấy tờ (huân, huy chương, giấy chứng nhận XYZ…), chứng minh đã từng tham gia quân ngũ, hoặc bản gốc của các loại giấy tờ đã bị thất lạc, chỉ còn bản phô-tô cũng không được xét duyệt.
Khi tiếp cận một đồng chí ở Phòng LĐTBXH huyện và đồng chí Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) huyện, các vị này cho biết: Người nào mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và ung thư là dễ xét nhất. Nếu xét như vậy là thiếu đạo lý, thiếu tính nhân văn, vì những người bị bệnh hiểm nghèo sống nay chết mai, thậm chí khi có quyết định hưởng chế độ người đó đã chết rồi. Xin được nêu một vài ví dụ: Ông Trần Thanh San - CCB xã Tân Phong nộp hồ sơ nhiều lần không được, lần cuối cùng bị ung thư giai đoạn cuối thì xét được hưởng chế độ, nhưng sau 3 tháng thì qua đời. Ông Trần Xuân Trường - CCB xã Tân Phong cũng nộp hồ sơ nhiều lần, đến khi bị ung thư mới được xét...
Một vài trường hợp khác như ông Bùi Văn Thạng, xã Tân Phong bị nhiễm chất độc hóa học, khi xét do thiếu giấy tờ không được, nhưng con gái là Bùi Thị Ngần thì được hưởng chế độ gián tiếp.
Ông Trần Đình Dầu sinh năm 1939 - CCB xã Tân Phong, nhập ngũ tháng 2-1964, phục viên tháng 5-1975, được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba, tham gia chiến đấu ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào suốt 8 năm, bị nhiễm chất độc hóa học. Ông có con trai Trần Văn Đoan và cháu nội Trần Đức Trung (con anh Đoan) đều bị thiểu năng trí tuệ. Nhiều lần ông đi khám bị chẩn đoán mắc bệnh thần kinh ngoại biên, nhưng khi làm hồ sơ đề nghị các cấp xét thì thiếu bản gốc Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba (chỉ còn bản phô-tô do bản gốc nộp hồ sơ lần đầu bị thất lạc), đến nay ông vẫn không được xét.
Trường hợp ông Vũ Văn Thiều, sinh năm 1947, CCB xã Tân Phong cũng là một ví dụ. Ông Thiều nhập ngũ năm 1964, lái xe ở mặt trận Đông Hà, Đường 9 - Bắc Quảng Trị 10 năm. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba và còn bị nhiễm chất độc hóa học. Con trai của ông là Vũ Văn Tuyền bị thiểu năng trí tuệ, mắt hiếng, đi khám được chuẩn đoán mắc bệnh thần kinh ngoại biên. Một lần ông Thiều phơi thóc trên trần nhà, tự nhiên ông nhảy xuống sân cao 4m, rạn 2 xương gót, giờ phải ngồi bằng ghế, ông đã làm hồ sơ nhiều lần nhưng không được xét. Lần cuối mang hồ sơ trực tiếp đến Phòng LĐTBXH huyện thì được Phó trưởng phòng giải thích: “Bệnh thần kinh ngoại biên phải có giấy ra viện từ chiến trường”. Một giải thích không thuyết phục cả về lý và tình vì khi ở chiến trường còn sức khỏe, còn chiến đấu, sau khi về 5-10 năm sau mới phát bệnh, các trường hợp khác cũng tương tự như vậy thì làm sao có giấy xác nhận bệnh thần kinh ngoại biên ở chiến trường được?
Trên đây chỉ là một vài ví dụ cụ thể ở một xã. Thiết nghĩ, hồ sơ xét duyệt người bị nhiễm chất độc hóa học nếu có một trong các giấy tờ: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy XYZ; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học… và hiện tại đang mắc 1 trong 17 bệnh như quy định của Bộ Y tế thì nên xét duyệt cho các đối tượng.
Cần nhắc lại, đa số người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đều đã ở tuổi xưa nay hiếm và họ đã và đang mang trong mình nhiều bệnh tật, quỹ thời gian sống không còn nhiều. Nhưng khi làm hồ sơ, do thiếu một trong số giấy tờ hoặc không nằm trong 17 bệnh mà hồ sơ của họ gửi đi 4-5 năm nay, thậm chí có hồ sơ gửi đi 10 năm nay vẫn không có hồi âm.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Nhà nước có nhiều văn bản chỉ đạo thực thi chính sách như Nghị định 31 của Chính phủ, hay Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH; Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn vê thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, nhất là đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… đã mở ra hy vọng cho các đối tượng này.
Tuy nhiên đâu đó vẫn còn có trường hợp chưa được giải quyết chỉ vì thiếu bản gốc các giấy tờ tham gia quân ngũ, hay cơ quan chức năng đòi hỏi giấy ra viện từ chiến trường như vị Phó phòng LĐTBXH huyện “X” nói với các trường hợp trên là rất khó thực thi.
Vũ Cẩn Thận