Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tại cuộc họp, trong hai tuần qua dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc tiếp tục được khống chế, song dịch lợn tai xanh lại tiếp tục xuất hiện những ổ dịch mới ở tỉnh Nam Định và Phú Thọ.

Tại Nam Định, dịch đã xuất hiện ở 12 hộ chăn nuôi thuộc hai xã Yên Khánh, Yên Hồng (huyện Ý Yên) làm 186 con lợn mắc bệnh.

Tại tỉnh Phú Thọ, trong một tuần đã có 313 con lợn của 31 hộ chăn nuôi ở thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy) và xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn) mắc bệnh tai xanh.

Ngày 20/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã công bố dịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo tăng cường công tác phòng chống dịch. Tại tỉnh Điện Biên, dịch lan ra ở 186 thôn bản thuộc 14 xã của huyện Điện Biên và 61 phố, bản của thành phố Điện Biên làm 8.807 con phải tiêu hủy. Còn tại tỉnh Yên Bái, hai tuần qua, dịch cũng tiếp tục phát sinh thêm ở 4 huyện mới: Trạm Tấu, thành phố Yên Bái, Văn Yên, Trấn Yên làm 2.662 con mắc bệnh. Như vậy, cả nước hiện có tới 4 tỉnh có dịch lợn tai xanh là Yên Bái, Điện Biên, Phú Thọ và Nam Định.

Ông Đàm Xuân Thành cho biết Cục Thú y đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra và cấp 40.000 liều vaccine cho tỉnh Điện Biên, 60.000 liều cho tỉnh Yên Bái và 20.000 liều cho Nam Định tiêm phòng bao vây ổ dịch.

Trước tình hình dịch lợn tai xanh có nguy cơ lây lan ra diện rộng, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch, khi phát hiện lợn có dấu hiệu bệnh tai xanh phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hỗ trợ xử lý kịp thời./

Theo TTXVN

Bảo Lâm