Mùa thu năm 1973, một tiểu đoàn con gái trẻ măng tuổi 16-18 được tập hợp từ rất nhiều vùng quê lúa Thái Bình nhập ngũ vào quân đội. Đơn vị có tên vừa lồ lộ tính đặc trưng, vừa hết sức hãnh diện: Tiểu đoàn nữ Thái Bình.
Chập chững bước vào quân ngũ, mặc dù rất ngây thơ, song ai cũng biết Thái Bình từng có chị Nguyễn Thị Chiên, một nữ Anh hùng LLVTND quân đội đầu tiên của cả nước. Niềm kiêu hãnh ấy thôi thúc chúng tôi chuẩn bị thật chu đáo cho hành trình trận mạc phía trước.
Sau hơn 2 tháng lăn lộn trên thao trường dãi dầu mưa nắng chúng tôi hăm hở nhằm tuyến lửa hành tiến. Mưa, rét, sông, suối cộng thêm chiếc ba lô 30kg trên lưng, khiến ai nấy phải căng hết cơ bắp để chịu đựng.
Đặt chân tới mảnh đất cực nam Quảng Trị. Trời ơi! Một cảnh hoang tàn xơ xác đến rợn người. Kẻ thù đã đổ bom đạn, biến nơi đây thành một vùng chết. Trước tội ác hủy diệt của kẻ thù, tất cả quên hết mệt nhọc lao ngay vào nhiệm vụ góp sức quét sạch bọn dã man. Nhận nhiệm vụ tại tuyến lửa, nữ chiến sĩ Thái Bình chiếm đa phần quân số của Tiểu đoàn 674 (d674), Đoàn 559. Chúng tôi dựng bạt tại một thung lũng cằn cỗi tịnh không một bóng người. Ngoài súng đạn, chiến sĩ được phát thêm một cuốc chim, xẻng, dao quắm… phục vụ cho việc mở đường.
Là “thợ làm lúa” Thái Bình những tưởng buông tay cày vào đây cầm súng đánh giặc, ai ngờ lại “vác cuốc” bạt núi san đèo. Lúc đầu thú thật nhiều người tỏ ra buồn chán. Dần dà hiểu rõ vị trí chiến lược của đường Trường Sơn nên ai nấy yên tâm lao vào nhiệm vụ. Đâu chỉ đạn bom và chất độc hóa học mà hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với cả ăn đói, mặc rét, ốm đau bệnh tật cùng thiên nhiên khắc nghiệt. Bỏ qua tất cả, nhịp sống tươi trẻ vẫn bừng lên giữa thung lũng bốn bề non ngàn sỏi đá. Những bài ca trầm hùng dấy lên khí thế “Tiếng hát, át tiếng bom” tràn ngập khắp các phân đội trong đơn vị. Nhìn những đoạn đường tinh khôi ngày đêm nâng bước đoàn quân rầm rập tiến ra trận, chúng tôi coi đây là niềm động viên, là chiến công của chính mình.
Đầu tháng 4-1975, mặt trận Tây Nguyên đại thắng, cả đơn vị được lệnh chia tay những cung đường vùng A Sầu, A Lưới vào tiếp quản buôn Ma Thuột. Giải quyết hậu quả chiến tranh. Chúng tôi không từ bất kỳ công việc khó khăn nào, kể cả nhận nhiệm vụ tiễu trừ bọn Fulrô giữ gìn an ninh cho vùng mới giải phóng của Tây Nguyên và đến cuối năm 1975 được lệnh trở ra Quảng Trị đảm trách nhiệm vụ hệ trọng: Quy tập hài cốt liệt sĩ và xây dựng nghĩa trang quốc gia Trường Sơn.
Làm đường và cầm súng với chúng tôi đã là sở trường. Nay đột ngột chuyển sang lĩnh vực tâm linh cất bốc mồ mả, thú thực ai cũng ái ngại. Mà kể cũng lạ, bắt tay vào việc, mọi người chẳng những nhanh chóng thuần thục mà còn hết sức say sưa. Đêm đêm nằm cạnh các hài cốt liệt sĩ cứ thấy ấm cúng như sống giữa đội hình đồng đội thân yêu chẳng có cảm giac gì gọi là ghê sợ. Đau xót khiến ai cũng bật khóc khi thấy dãy ngắn, dãy dài bộ hài cốt vô danh.
Thời gian trôi qua 2 năm lúc nào không hay. d674 đã bàn giao 10.263 ngôi mộ hoàn chỉnh cho Ban quản lý Nghĩa trang Trường Sơn...
“Hạ sao giao súng” về với đời thường gần 40 năm. Những gương mặt măng tơ ngày nào nay đã ngoại “lục tuần” cả rồi. d674 mỗi dịp hội ngộ là ríu ran chuyện Trường Sơn gian khổ nhưng đầy kiêu hãnh. Vui, khi thấy đất nước được thanh bình, song lại chạnh buồn vì còn tới 50% chị em do không còn giấy tờ gốc làm căn cứ xác nhận công lao, nên nay không được hưởng chế độ đãi ngộ. Đó là chưa nói di hại đạn bom và chất độc hóa học dẫn đến đau yếu triền miên.
Chỉ vì nghèo, vì không có bảo hiểm nên nhiều cựu chiến sĩ d674 buộc phải… chung sống với tật bệnh. Buồn nhất là ba nữ chiến sĩ hi sinh khi đang làm nhiệm vụ giữa năm 1976 vẫn chưa được xác nhận liệt sĩ vì một lý do “hành chính” khô khốc: “Chết sau chiến tranh!”…
Gần đây, đâu đâu cũng đang “tổng rà soát” người có công, vậy mà 3 nữ đồng đội đã hi sinh của chúng tôi vẫn chưa thấy ai “rà” tới. Chiến sĩ d674 luôn đặt Tổ quốc trên hết, chỉ mong sự hi sinh của ba đồng đội được gọi đúng tên, đúng nghĩa
Gạt sang bên mọi chuyện chưa trọn vẹn, những nữ chiến sĩ d674 năm xưa luôn tìm đến nhau chia sẻ lo toan, vui buồn, động viên nhau góp sức xây dựng cuộc sống mới để mãi mãi xứng danh nữ chiến sĩ Trường Sơn; xứng danh với quê lúa Thái Bình.
Hoàng Ngọc Khuyến