Bệnh trĩ thường gặp ở người cao tuổi (NCT) nhưng do bệnh ở vị trí nhạy cảm và tiến triển âm thầm nên thường đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, búi trĩ phình to, sa ra ngoài hậu môn, gây chảy máu, đau rát nhiều thì người bệnh mới đi khám và điều trị.
Triệu chứng của bệnh
Bệnh trĩ được chia làm ba loại là: Trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Biểu hiện thường gặp ban đầu của bệnh là đi vệ sinh thấy xuất hiện máu dính ở giấy vệ sinh, sau phân hoặc nếu nặng hơn có thể chảy thành tia.
Sau đó sẽ xuất hiện búi trĩ: Khi đi vệ sinh sẽ thấy búi trĩ nhỏ sa ra ngoài, ban đầu có thể tự co lên, nhưng càng về sau búi trĩ càng to hơn và sa nhiều hơn ra ngoài, nặng hơn là phải dùng tay đẩy búi trĩ mới vào và nặng hơn nữa là búi trĩ nằm thường trực ngoài hậu môn, gây khó chịu cũng như khó khăn trong sinh hoạt của người bệnh.
Ngoài 2 triệu chứng chính trên, người bệnh có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi đại tiện, táo bón, ngứa quanh lỗ hậu môn.
Nguyên nhân người cao tuổi dễ bị trĩ
NCT dễ bị trĩ là do cùng với tuổi tác, chức năng co bóp, bài tiết và hấp thu của ruột yếu gây rối loạn đại tiện; trương lực cơ trơn đại tràng, cơ thắt hậu môn và dây chằng bị suy giảm, hệ thống tĩnh mạch hậu môn - trực tràng bị suy yếu.
Thói quen, ăn uống không điều độ, ăn nhiều loại thức ăn có nhiều chất béo như: bơ, sữa, đường tinh chế và thức ăn ít chất xơ, ăn nhiều chất cay, nóng, uống nhiều rượu, bia, uống ít nước… là nguyên nhân chính gây táo bón và bệnh trĩ ở người già.
NCT thường ít vận động hơn người trẻ do tình trạng sức khoẻ giảm sút. Khi cơ thể ít vận động rất dễ xảy ra táo bón và xuất hiện bệnh trĩ.
Giải pháp phòng ngừa bệnh trĩ ở người cao tuổi
Bệnh trĩ có thể phòng ngừa được bằng chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hằng ngày như: Chế độ ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt. Thức ăn cần đảm bảo đủ về lượng, tốt về chất nhưng phải dễ tiêu và có chất xơ, giúp phân mền, tăng khối phân, bệnh nhân bớt phải rặn và gián tiếp tránh được bệnh trĩ. Uống nhiều nước giúp phân mềm dễ đại tiện. Hạn chế các chất kích thích như rượu, chè, cà-phê, chất cay nóng. Giữ vệ sinh ăn uống để phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa.
Chế độ sinh hoạt tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm vì có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ. Duy trì chế độ tập thể dục đều đặn như đi bộ, đi bơi hoặc vận động tại chỗ. Tập thói quen đại tiện đúng giờ, tốt nhất mỗi ngày đi đại tiện một lần vào buổi sáng. Giữ vệ sinh tầng sinh môn, nhất là sau mỗi lần đại tiện. Điều trị tích cực các bệnh làm tăng áp lực ổ bụng (như ho kéo dài, rối loạn tiêu hóa) hoặc cản trở máu trở về tim (như giãn tĩnh mạch cửa, xơ gan…)
Thành An