Đây là tuyên bố chung được 7 thành viên ASEAN đưa ra khi cùng tham dự Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS vừa diễn ra từ ngày 13-17/6 tại New York, Mỹ. Các nước ASEAN nói trên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và an ninh tại Đông Nam Á.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Lương Minh dẫn đầu*.* Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982, cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện và bao quát nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, nhấn mạnh mọi hoạt động trên biển phải được tiến hành phù hợp với Công ước, tôn trọng đầy đủ quyền quốc gia ven biển được hưởng trên các vùng biển được xác định theo Công ước.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định lại quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển cũng như Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng khu vực Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định.

Trong khi đó, phái đoàn Philippines cho hay: "Quy tắc luật pháp là nền tảng của hòa bình, trật tự và công bằng trong các xã hội hiện đại. Vai trò ngày một lớn của một hệ thống quốc tế dựa trên cơ sở là các quy tắc luật pháp giúp mang lại một sự cân bằng cân thiết trong các vấn đề toàn cầu."

Philippines cũng cho rằng việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế giúp duy trì hòa bình và giải quyết các mâu thuẫn. Luật pháp quốc tế mang lại tiếng nói có trọng lượng ngang bằng cho các quốc gia bất kể tầm vóc chính trị, kinh tế hay quân sự, đồng thời loại bỏ việc sử dụng vũ lực trái luật pháp.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và Philippines, các nước ASEAN nhấn mạnh rằng cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật Biển khi tiến hành các hoạt động trên biển; đề cao sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS năm nay là lần thứ 21 các nước họp mặt để bàn về các vấn đề liên quan tới Công ước năm 1982.

Bên cạnh việc đánh giá hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước gồm Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, hội nghị năm nay tập trung thảo luận các biện pháp cải tiến hoạt động của Ủy ban ranh giới thềm lục địa nhằm đẩy nhanh tiến trình xem xét báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa kéo dài, tiến hành bầu 7 thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển và kiểm điểm việc triển khai Công ước.

Hoàng Linh (TH)