Tháng 5-1955, Vũ Như - chiến sĩ Điện Biên Phủ 20 tuổi được nghỉ phép 3 ngày. Quê hương vui mừng đón anh. Bà con thôn xóm muốn anh kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên. Vũ Như hãnh diện lắm. Nhưng cũng rất bối rối. Là chiến sĩ đã từng “Năm mươi sáu ngày đêm…”, anh có thể kể chi tiết bản thân mình và đồng đội tiêu diệt quân xâm lược. Nhưng “nói chuyện với bà con làng xóm quê hương về chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại mà lại chỉ kể hành động chiến đấu của cá nhân mình thì không ổn!
Làm thế nào bây giờ? Mình mới qua “Bình dân học vụ”, đi đánh giặc. Đã trình bày trước đông người một vấn đề bao giờ đâu! Nhớ khi mới thanh niên, anh được nghe bà ngoại dạy hiểu về câu vè: “Mồm ăn, mồm nói, mồm cười/ Mồm đi nói chuyện cho người ta yêu/ Có khi mồm lại nói điêu/ Làm cho nhà nát cửa xiêu vì mồm”. Vậy phải bắt đầu như thế nào đây!...
Vũ Như chưa nghĩ ra cách giải quyết thì đã đến giờ hẹn. “Thôi thì biết sao nói vậy. Có sao thể hiện vậy. Mình là chiến sĩ bộ binh, đâu phải là cán bộ tuyên truyền” - Vũ Như tự trấn tĩnh trước khi vào công việc mà anh thấy còn khó hơn cả đánh giặc.
Bà con ngồi chật sân đình. Bỗng như có ai xui khiến! Vũ Như nghĩ đến bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu và bài hát “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mà anh cùng đồng đội đã thuộc làu trong những ngày tập luyện, chuẩn bị cho liên hoan mừng đại thắng… Vũ Như “xuất thần” đĩnh đạc:
- Kính thưa toàn thể bà con thôn nhà! Nội dung nói chuyện của cháu gồm hai phần. Phần đầu, cháu kể chuyện bộ đội ta chiến đấu tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Phần sau là mô tả không khí của ngày chiến thắng. Bây giờ cháu xin nói phần một…
Với lời bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” mà anh là một nhân vật ở trong đấy, Vũ Như vô cùng hưng phấn:
- Kính thưa bà con! Cả nước hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Những chiến sĩ anh hùng đầu nung lửa sắt. Suốt năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non… Tuy vậy, chiến sĩ ta vẫn gan không núng, chí không mòn! Đồng chí Bế Văn Đàn lấy thân chôn làm giá súng để anh Pù bắn giặc. Anh Phan Đình Giót thì lấy thân mình bịt lỗ châu mai lô cốt giặc. Quân ta xông lên, băng mình qua núi thép gai ào ào như vũ bão. Anh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, nát thân, nhắm mắt vẫn còn ôm, không để cho pháo trôi đi. Công binh thì xẻ núi lăn bom, quyết mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện. Và dân công! Các anh chị xa nhà đi tiếp tế cho bộ đội, ngày đêm ra tiền tuyến, trên đỉnh đèo qua mấy tầng mây, có lúc gió lớn mưa to. Ấy thế mà vẫn vui lắm. Ở dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ. Ở đèo Lũng Lô cũng không kém, anh hò chị hát. Dù bom đạn xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... Bởi các anh chị đã hiểu rằng, máu của mình rơi không bao giờ uổng phí, sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam. Và tất nhiên là “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ sẽ lại trắng, vườn cam sẽ lại vàng”.
Cứ như thế, kể đến câu nào, Vũ Như minh họa bằng hành động chiến đấu của chính mình. Tiếng vỗ tay rầm rầm xen lẫn tiếng hô “Giỏi quá! Giỏi quá! Đúng là ở mặt trận về có khác!”. Vũ Như phấn khích, càng thêm đĩnh đạc:
- Để bà con hình dung ra không khí của ngày chiến thắng, cháu xin kể phần hai…
Với giọng nói hào sảng, theo nhịp bài hát “Giải phóng Điện Biên”, Vũ Như rất tươi tỉnh:
- Hôm ấy bộ đội ta từ khắp nơi tiến quân trở về. Lúc đó vào đúng giữa mùa hoa ban nở. Cả miền Tây Bắc tưng bừng vui. Bà con có hình dung được không? Những nương lúa mới trồng, từng đàn em bé ở giữa cánh đồng, tay nắm tay thành vòng tròn múa xoè hoa. Dọc đường chiến thắng quân ta tiến về. Các đoàn dân công tiền tuyến vai gánh lưng gồng, giơ tay vẫy chào các chiến sĩ pháo binh vượt qua. Nòng súng đại bác chĩa thẳng ra phía trước, quấn đầy lá ngụy trang, trông như những cây rừng xiên xiên. Từng đàn bướm trắng cứ bay theo đùa dỡn với lá ngụy trang. Vui sướng không thể tả xiết. Bởi vì ngay từ ngày quân ta lên Tây Bắc thì đồng bào đã nao nức mong đón chúng ta trở về. Thế thì bây giờ chiến thắng ta đã về, đồng bào rất là vui mừng đón chúng ta tiến về. Mà không chỉ có đồng bào vui mừng đâu. Các ngọn núi, dòng sông Tây Bắc cũng bừng hết tất cả lên. Đất nước ta sáng ngời. Khắp cánh đồng Điện Biên, cờ đỏ sao vàng và cờ Quyết thắng của Quân đội ta tưng bừng trên bầu trời. Sướng quá, sướng quá! Không có gì vui sướng bằng.
Vũ Như càng nói càng say sưa. Tay khoát những đường xiên biểu thị nội dung, lúc hoành tráng, lúc bi hùng. Đến câu kết thúc thì giơ hai tay lên trời vỗ nhiệt liệt. Bà con hào hứng vỗ theo, tuyệt đỉnh rôm rả.
Hôm sau, Vũ Như tạm biệt bà con, trở về đơn vị. Để lại biết bao tình yêu và nỗi nhớ nơi xóm nhỏ quê hương.
Mùa xuân năm 1959, ở làng quê tổ chức hát mừng kỷ niệm 5 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bài hát “Giải phóng Điện Biên” đã được Chi đoàn thanh niên học thuộc. Bấy giờ chỉ chép tay, học truyền khẩu là chính. Bà con hồi tưởng lại buổi nói chuyện của Vũ Như 5 năm về trước và cho rằng anh là tác giả của bài hát này. Chi đoàn thanh niên giao cho chị Nguyễn Thị Mai - 19 tuổi “văn hay chữ tốt” viết thư cho Vũ Như, nhờ anh về dạy hát.
Lúc đó, Vũ Như đã chuyển ra Nông trường Điện Biên. Anh mang lá thư trình lãnh đạo nông trường! Đồng chí Trưởng phòng Tổ chức được Giám đốc nông trường ủy quyền giải quyết, giao nhiệm vụ cho Vũ Như về giúp bà con một tuần. Ông khích lệ: “Khi trở về đơn vị phải mang theo một… cô gái tốt để tổ chức cưới tại nông trường, cùng góp phần xây dựng Điện Biên giàu đẹp”.
Đợt ấy về, Vũ Như đã giới thiệu cho bà con thôn nhà biết: Mùa xuân 1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Biện Biên Phủ. Trong dịp ấy, ông sáng tác nhiều bài hát. Một trong những bài tiêu biểu là “Giải phóng Điện Biên”. Cũng trong tháng 5-1954, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bộ đội ta học thuộc cả hai bài để vận dụng vào công tác tuyên truyền…
68 năm qua, bài hát Giải phóng Điện Biên đã được nhiều thế hệ yêu âm nhạc Việt Nam đón nhận và thể hiện bằng đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca, hòa tấu, hợp xướng… Đặc biệt, giai điệu của bài hát đã trở thành nhạc hiệu của chương trình Phát thanh thời sự mỗi buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Còn “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” cũng được phổ biến rộng rãi nhờ các giọng ngâm thơ, đọc thơ nổi tiếng, như: Trần Thị Tuyết, Châu Loan, Linh Nhâm, Kim Cúc, Văn Thành… Và cụ Vũ Như đã trở thành người “biến tấu” đặc biệt đối với bài thơ và bài hát này.
Cụ bà Nguyễn Thị Mai thì nói rất vui: “Tôi mê ông ấy ngay cái đêm nghe kể chuyện Điện Biên ở sân đình. Lúc ấy tôi mới có 15 tuổi, đoàn viên gương mẫu nên không dám biểu hiện ra ngoài, sợ mang tiếng...” - cụ Mai cười móm mém nhưng không giấu nổi nét duyên còn mãi.
Phạm Xưởng