Đọc những sách cũ, thấy các cụ ngày xưa thi cử rất nghiêm túc. Người đi thi, người coi thi, người chấm thi đều phải nghiêm chỉnh chấp hành quy chế thi. Xin dẫn ra đây mấy trường hợp tiêu biểu.

Con trai của Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784) là Lê Quý Kiệt trong trường thi đổi quyền cho sĩ tử người Thanh Hóa, bị giám thị phát giác nên bị cấm thi suốt đời, sĩ tử kia bị thích chữ vào trán và bị đày đi khổ sai suốt đời.

Cao Bá Quát (1809-1855) và Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) nổi tiếng thơ văn khiến ai đã đọc sách đều biết, nhưng chuyện hai ông phạm trường quy bị nghiêm trị còn ít người biết. Vào năm 1844 kỳ thi được tổ chức ở Thừa Thiên, ông Siêu được giao làm Phó Chủ khảo, ông Quát được làm Giám khảo. Ông Quát đã lấy muội đèn chữa bài cho sĩ tử để lấy đỗ 5 người. Bị quan thanh tra phát hiện, ông Quát bị tội chết, bắt giam lại xét sau. Còn ông Siêu vì tình lấy đỗ thêm sĩ tử Trương Đăng Trinh là con quan đại thần Trương Đăng Quế, bị phạt gậy và bãi chức. May sao vua Thiệu Trị xuống tận nơi kiểm tra, trực tiếp ra đề thi cho các sĩ tử đó thi lại. Vua thấy các sĩ tử đó có thực tài, đều lấy đỗ. Và 2 vị “thần Siêu thánh Quát” đều được tha tội chết.

Gần chúng ta hơn là Tú Xương (1870-1907) nổi tiếng thơ trào phúng. Nhưng đường thi cử thì quá lận đận. Ông thi lần đầu đỗ Tú tài, những lần sau lều chõng đi thi tiếp, đến 8 khoa cũng không sao đỗ Cử nhân. Vì lần thi nào cũng phạm trường quy, đến nỗi ông phải kêu lên: "Học đã sôi cơm nhưng chửa chín/ Thi không ăn ớt thế mà cay" (Thi hỏng).

Suy ngẫm các cụ ta xưa, qua các kỳ thi lấy đỗ bao nhiêu không quan trọng, quan trọng hơn là có thực tài hay không. Ai được trao học vị Tú tài, Cử nhân hay Tiến sĩ đều thấy vinh dự. Còn bây giờ thì sao? Trên báo đài đưa tin rất nhiều Cử nhân, Thạc sĩ không sao kiếm được việc làm. Có nhiều người trong số đó phải giấu bằng đi để học lại trung cấp, làm trái nghề với hy vọng kiếm được một việc phổ thông nuôi sống bản thân. Để xảy ra tình trạng đó, còn có nhiều nguyên nhân khác, nhưng một phần là hệ quả bệnh thành tích, chạy theo bằng cấp và lối thi cử không nghiêm minh.

Mong sao mùa thi THCS, THPT năm nay, người coi thi, người chấm thi, giám sát thi hãy làm hết trách nhiệm của mình. Thi cử nghiêm túc mới mong tìm được những người tài thực sự giúp ích cho xã hội, đất nước; tránh “bão hòa” cử nhân, kỹ sư cũng như sinh viên tốt nghiệp không phải thất nghiệp. Ai vi phạm quy chế thi phải bị nghiêm trị theo pháp luật. Có như thế mới lấy lại lòng tin tưởng của nhân dân ta đối với ngành giáo dục.

Nguyễn Tấn Quốc