Bộ Nội vụ đề xuất mức lương tối thiểu vùng tăng cao nhất 350 nghìn đồng

Theo: Tiền Phong 18/07/2025 - 17:40

Theo Bộ Nội vụ, mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mức lương tối thiểu giờ cao nhất 25.500 đồng/giờ

Bộ Nội vụ vừa có dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động năm 2026, để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, việc ban hành nghị định nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, góp phần tích cực cho việc cải thiện tiền lương, đời sống của người lao động, thúc đẩy thị trường lao động phát triển, duy trì quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

Dự thảo nghị định quy định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 7,2% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 1/1/2026 (trùng với phương án đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia).

Trong đó, mức lương tối thiểu tiếp tục được quy định theo 4 vùng:

Vùng I: 5.310.000 đồng/tháng, vùng II: 4.730.000 đồng/tháng, vùng III: 4.140.000 đồng/tháng, vùng IV: 3.700.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 250.000 đồng - 350.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 7,2%) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2026 để cải thiện cho người lao động.

Theo Bộ Nội vụ, mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài lương tối thiểu vùng theo tháng, dự thảo cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng. Trong đó, vùng I là 25.500 đồng/giờ, vùng II là 22.700 đồng/giờ, vùng III là 20.000 đồng/giờ, vùng IV là 17.800 đồng/giờ.

“Mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động”, Bộ Nội vụ nêu rõ.

Đây là phương pháp được các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ từ năm 2022 đến nay.

Lý do thời điểm áp dụng từ đầu năm 2026

Về địa bàn áp dụng, Bộ Nội vụ nêu rõ, Nghị định số 128 ngày 11/6/2025 đã quy định danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu theo đơn vị hành chính cấp xã mới. Tuy nhiên, sau khi các địa phương vận hành theo đơn vị hành chính cấp tỉnh mới, một số địa bàn áp dụng đã có sự sắp xếp, thay đổi so với thời điểm ban hành nghị định vào tháng 6. Nghị định số 128/2025 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1/3/2027.

Vì vậy, dự thảo nghị định quy định danh mục địa bàn áp dụng mới trên cơ sở kế thừa danh mục hiện hành quy định tại Nghị định số 128/2025 và có sự rà soát, cập nhật theo đề nghị của UBND cấp tỉnh.

Về thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu, Bộ Nội vụ lý giải, thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2026 để đảm bảo cho doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực thực hiện. Đa số các quốc gia lựa chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính để tạo thuận tiện cho việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Việt nam, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã 20 lần điều chỉnh lương tối thiểu nói chung, trong đó 15/18 lần thực hiện điều chỉnh vào ngày 1/1. Những lần điều chỉnh khác thời điểm 1/1 hàng năm đều gắn với những biến động bất thường.

Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu hiện hành được áp dụng từ 1/7/2024, thời điểm điều chỉnh này được đặt trong bối cảnh kinh tế, xã hội sau khi trải qua thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19 và bắt đầu chuyển sang trạng thái phục hồi tốt và có nhiều mặt khởi sắc.

Đọc tiếp

Mới nhất

Bộ Nội vụ đề xuất mức lương tối thiểu vùng tăng cao nhất 350 nghìn đồng