Cách đây ít hôm, vợ ông Tác(*)(người thôn Cao Xá, P. Lam Sơn, T.P Hưng Yên) đi xe đạp từ nhà ra quốc lộ (trục đường 39 đoạn đường Nguyễn Văn Linh). Đây là đường 1 chiều, giữa có dải phân cách cứng. Phía trên và dưới đều có chỗ quay đầu xe (sang đường) nhưng hơi xa. Tại đây, một số người dân phá dải phân cách cứng mở lối đi "tự phát", đi cho nhanh. Vợ ông Tác đi vào lối này để sang bên kia đường. Vừa qua dải phân cách cứng thì gặp ngay ô tô con 4 chỗ đâm trực diện vào. Hậu quả là bà ngã ra, tử vong tại chỗ. Khi chuẩn bị chụp ảnh (mừng thọ) bước vào tuổi 75 của năm sau 2023.
Trường hợp của vợ ông Tác, tham gia giao thông vẫn giữ thói quen đi cho "tiện", đã gây hậu quả nghiêm trọng bằng mạng sống của mình.
Hiện nay, có không ít người tham gia giao thông đi bằng xe đạp là người cao tuổi, vẫn quen lối xưa. Đạp xe ngược chiều (trên đường 1 chiều), quay xe, sang đường rất tùy tiện tạt ngang trước cả đầu xe ô tô, xe máy đang đi chuyển rất gần. Sợ nhất là các bà đạp xe thồ, chở rau quả đi bán hoặc người thu mua phế liệu đi ở nhiều tuyến phố và những nơi thị trấn, thị tứ. Nhiều người vẫn nghĩ là ô tô, xe máy nó phải tránh mình. Hậu quả là nhiều vụ TNGT đau lòng đã xảy ra…
Trước kia, ta có một thói quen, tư duy theo kiểu "luật rừng". Khi có vụ TNGT thì bao giờ xe to cũng phải "đền cho xe nhỏ". Người đi xe máy phải đền tiền cho người đi thô sơ, mặc dù lỗi này do người đi xe thô sơ gây ra. Chính vì thế có không biết bao nhiêu vụ "ăn vạ" đã xảy ra. Cuối cùng là người lái xe ô tô, hay xe máy lại bị "phạt" mất tiền oan!
Hãy từ bỏ tư duy cũ rích. Khi ra đường ai cũng phải chấp hành luật ATGT đường bộ. Đi đúng làn đường của mình, khi sang đường phải xin đường (xi nhan nếu là ô tô, xe máy. Đi xe đạp phải giơ tay làm hiệu), phải quan sát kỹ, an toàn thì mới sang. Không đi ngược đường, rẽ trái, rẽ phải tùy tiện thì sẽ an toàn cho chính bản thân mình và cho cả người khác.
(*) nhân vật trong bài đã được đổi tên.
Nguyễn Việt Tiến