CCB – thương binh Đinh Văn Danh, sinh năm 1918 và lớn lên tại mảnh đất khu 2, thị xã Hội An, nay là số nhà 132 Nguyễn Duy Hiệu, phường Sơn Phong, TP Hội An tỉnh Quảng Nam. Mảnh đất này nguyên là mảnh đất của ông cố ngoại của Đinh Văn Danh. Vì ông cố ngoại Nguyễn Công Minh (và vợ là bà Nguyễn Thị Lai ) không có con trai nên để cho hai người con gái là Nguyễn Thị Xin và Nguyễn Thị Khánh, lấy chồng họ Đinh và họ Lưu cùng thừa kế.

Năm 1936 đồng chí Danh thoát ly gia đình đi làm ăn xa, sau đó tham gia Cách mạng tháng 8-1945, gia nhập giải phóng quân trong kháng chiến chống Pháp ở Trung đoàn 803 chủ lực Liên khu 5.

Tập kết ra Bắc, đồng chí Danh công tác ở Sư đoàn 350, đến năm 1957 chuyển ngành về Công ty mỏ than Hòn Gai. Đủ năm công tác, đồng chí Danh nghỉ hưu.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 1-1976, thương binh – CCB Đinh Văn Danh đưa vợ con về quê, ở tại mảnh đất cũ, số nhà 46, nay là số nhà 132 Nguyễn Duy Hiệu, phường Sơn Phong, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Về sinh sống ở quê hương, đồng chí Danh đã tham gia công tác ở địa phương và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân (như đóng thuế nhà đất, xin giấy phép sửa chữa nhà...). Năm 2005, đồng chí Danh từ trần.

Sau khi đồng chí Danh mất, năm 2007, căn cứ vào một số giấy tờ “ngụy tạo” của bên gia đình họ Lưu, UBND phường Sơn Phong xác nhận để UBND TP Hội An cấp giấy chủ quyền sử dụng đất cho hộ gia đình họ Lưu trên mảnh đất của đồng chí Danh (họ Đinh) đã ở và sinh sống từ rất lâu mà không thông báo cho gia đình đồng chí Danh biết.

Tháng 7-2008, hộ ông Lưu Huệ ( họ Lưu) khởi kiện đòi lại nhà đã cho gia đình ông Danh (họ Đinh) “ở nhờ” tại số 132 Nguyễn Duy Hiệu.

Ngày 30-9-2008 Tòa án nhân dân TP Hội An mở phiên tòa sơ thẩm tuyên xử gia đình ông Danh phải trả lại nhà số 132 Nguyễn Duy Hiệu và 1.334,1m2 đất ở cho hộ ông Lưu Huệ. Gia đình đồng chí Danh kháng án. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm y án sơ thẩm (cuối năm 2008).

Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5 thấy rằng có nhiều điều “khó hiểu” trong quá trình xét xử vụ án.

Nhiều giấy tờ xác nhận quyền sở hữu (sử dụng) đất đai của các cơ quan chính quyền cũ do “ nguyên đơn” cung cấp không tuân thủ đầy đủ thủ tục pháp lý hiện hành; nhiều chứng cứ xác thực của gia đình “bị đơn” (đồng chí Danh) không được quan tâm xem xét chu đáo; nhiều lời khai xác đáng đúng đắn của những người thân trong gia đình, hàng xóm, bạn bè, đồng đội có lợi cho đồng chí Danh đã bị bỏ qua không được nghiên cứu thấu đáo.

Đặc biệt, có một thực tế là hiện nay (thời điểm Tòa án nhân dân TP Hội An và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên án), 24 ngôi mộ của thân nhân hai gia đình họ Đinh và họ Lưu đang được chôn chung trong một mảnh vườn; trong đó có 4 ngôi mộ, ghi tên hai chị em ruột Nguyễn Thị Xin và Nguyễn Thị Khánh – là hai người đồng thừa kế mảnh đất của cha mẹ (ông Nguyễn Công Minh và bà Nguyễn Thị Lai) cùng hai ngôi mộ hai ông chồng là ông Đinh Niêu (ông nội của đồng chí Đinh Văn Danh) và ông Lưu Ý Thức (ông nội của ông Lưu Nghi). Chỉ riêng sự kiện này đã là một minh chứng hùng hồn, thuyết phục về ***đồng thừa kế và cùng có quyền sở hữu (sử dụng) mảnh đất này! ***

Tòa án sơ thẩm TP Hội An đã tuyên. Tòa án phúc thẩm tỉnh Quảng Nam đã y án. Gia đình CCB – thương binh Đinh Văn Danh ba- bốn thế hệ mười mấy con cháu sống trên mảnh đất này bao chục năm sắp bị ra vỉa hè sống cảnh màn trời chiếu đất!

Xét xử như vậy liệu có thấu tình đạt lý?.

Gia đình CCB – thương binh Đinh Văn Danh gửi đơn đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xét xử lại.

Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 803 chủ lực Liên khu 5 kính đề nghị Tòa án nhân dân tối cao quan tâm nghiên cứu xem xét chu đáo, để đưa ra bản phán xét cuối cùng đúng pháp luật, nghiêm minh công bằng, thấu tình đạt lý, phù hợp với đạo lý XHCN, đem lại lòng tin vững chắc cho nhân dân, trong đó có gia đình CCB – thương binh vào các cơ quan thực thi pháp luật của Nhà nước ta.

Ban bạn đọc