Trong 2 ngày 5 và 6/10, Hội nhà Báo Việt Nam đã tổ chức 4 hội nghị với sự tham dự có mặt của đại biểu và các cơ quan Báo chí địa phương, trung ương của 19 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Trong 2 ngày 5 và 6/10, Hội nhà Báo Việt Nam đã tổ chức 4 hội nghị đánh giá nhiều mặt của Giải Báo chí Quốc gia và các vấn đề liên quan với thường trực các Hội nhà báo các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Tham gia các hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đại biểu, nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí Trung ương và địa phương 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Sáng ngày 5/10, hội nghị đối với Giải Báo chí Quốc gia cho thấy đến nay trải qua 17 năm tổ chức đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. làm nghề, thể hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho xã hội; đồng thời tham gia Giải Báo chí Quốc gia là tham gia sân chơi nghề nghiệp lớn nhất, có uy tín nhất cho những người làm báo trong nền báo chí cách mạng Việt Nam để rèn luyện, thử thách, cập nhật kiến thức, học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà báo, cơ quan báo chí với nhau. Do đó, những ý kiến, gợi mở được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị rất bổ ích cho những người làm báo.
Về các kiến nghị, đề xuất của các Hội Nhà báo cấp tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là về công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao để những tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng của Giải, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Chiều cùng ngày hội nghị sơ kết 01 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương. Sau 01 năm thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Nhiều cơ quan báo chí đã xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số ít nhà báo. Nhìn chung, các cơ quan báo chí nhất trí cao với 12 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo, từ đó thực hiện nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của người làm báo trong môi trường chuyển đổi số, làm báo thời công nghệ 4.0.
Đồng chí Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Đồng chí cũng tin tưởng thời gian tới phong trào sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí.
Trong sáng ngày 6/10, hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số” cho thấy trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, báo chí đã tạo được một khí thế sôi nổi, lan tỏa và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực tiễn cho thấy, trong khi báo chí Trung ương với thế mạnh về nền tảng lý luận, tích cực thông tin sâu sắc mảng nội dung nghiên cứu chính trị; phân tích, khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thì báo chí địa phương với đặc trưng về văn hóa vùng, miền lại có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, thù địch, nhất là đối với các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Ngoài ra, hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến trao đổi về những khó khăn, thách thức đối với đội ngũ người làm báo trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số.
Cũng tại cuộc làm việc lần này hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016, gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam cho thấy sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới như: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; việc phân định báo và tạp chí; hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; hoạt động liên kết báo chí...
Bên cạnh đó, trước những đòi hỏi cấp thiết của công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, để theo dõi, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi của hội viên vi phạm Điều lệ Hội và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, ngày 30/3/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 533/QĐ-HNBVN thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đến nay, trên toàn quốc có 260/301 tổ chức hội có Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo.
Xuất phát từ tình hình thực tế với những diễn biến nhanh chóng trong việc sử dụng mạng xã hội thiếu chuẩn mực nghề nghiệp của hội viên, phóng viên, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội, trong đó, có 4 điều quy định khuyến khích sử dụng mạng xã hội cho nghiệp vụ báo chí và 7 điều nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội vào mục tiêu không đúng đắn, thiếu phù hợp...
Kết thúc các hội nghị đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận những kiến nghị tâm huyết của đại biểu; đồng thời, khẳng định thời gian tới sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để hiện thực hóa những kiến nghị, đề xuất mà các đại biểu, nhà báo, phóng viên đã trao đổi trong các cuộc hội nghị.
Ngoài ra, trong hoạt động lần này tại tỉnh Nghệ An, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã ủng hộ 50 triệu đồng đến đồng bào tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lụt vừa qua.
Thế Sơn – Xuân Hòa