Tối 28-4-1975 Trung đoàn trưởng Lê Ngọ gọi tôi lên giao nhiệm vụ: Bằng mọi giá, Đại đội phải chiếm giữ cầu Bông.
Nhận nhiệm vụ, tôi về kiểm tra lực lượng, quyết định dùng 4 xe thực thi lệnh trên.
Sáng sớm ngày 29-4, từ đồn điền cao su Dầu Tiếng, tôi dẫn đầu đội hình 4 xe theo đường số 7 nhằm hướng Sài Gòn xuất phát. Sau xe tôi là xe Trương Công Đạo, xe của Nguyễn Văn Hổ và cuối cùng là xe anh Huỳnh Rịch - Chính trị viên đại đội.
Hơn 8 giờ ngày 29-4, chúng tôi tới cầu Bông và chạm trán một đoàn xe bọc thép của địch gồm 24 chiếc M.113. Tương quan lực lượng lúc này là ta 1, địch 6. Tôi hạ lệnh triển khai đội hình phòng ngự gấp. Xe của Đạo bên phải, xe tôi rồi đến xe anh Huỳnh Rịch và ngoài cùng là xe Hổ. Tôi lệnh cho các xe:
- Triển khai chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cầu Bông, bảo vệ đường hành quân cho Quân đoàn tiến vào Sài Gòn.
Thấy chúng tôi chỉ có 4 xe, địch hùng hổ lao lên... Lập tức, tôi bắn chiếc đi đầu và lệnh cho Huỳnh Rịch bắn chiếc khóa đuôi. Bị đòn phủ đầu, đội hình địch rối loạn, tản ra hai bên ruộng lúa. Một cuộc hỗn chiến xảy ra. Có Đạo và Huỳnh Rịch che chắn, trong tích tắc, xe tôi bắn cháy 4 chiếc, Hổ bắn cháy 5 chiếc, Rịch bắn cháy 2 chiếc và Đạo bắn cháy 1 chiếc.
Như con thú cùng đường, số xe còn lại của địch xông thẳng vào chúng tôi, bắn như vãi đạn. Tôi lệnh cho các xe sẵn sàng đối đầu với chúng.
Bất ngờ qua kính ngắm, tôi thấy 1 xe của địch quay nòng pháo về phía xe tôi. Ngay lập tức, tôi quay nòng pháo hướng đúng chiếc xe này và ra lệnh bắn. Cùng lúc, tháp pháo xe tôi trúng đạn pháo của xe địch, bay mất khẩu 12 ly 8. Như vậy, xe tôi và xe địch cùng nã đạn vào nhau, nhưng đường đạn của xe tôi chính xác hơn, làm nổ tung xe địch, còn phát đạn của xe địch trượt lên phía trên, làm hỏng khẩu 12 ly 8 của xe tôi.
Sau khi tiêu diệt 12 xe, tôi lệnh cho các xe thu hồi 12 xe còn lại của địch, bàn giao cho bộ đội địa phương.
Cũng vào thời điểm đó tôi phát hiện dưới chân cầu có hai chiến sĩ đặc công bị thương. Anh em đặc công nói: “Các đồng chí không tới kịp, chắc chắn chúng tôi hy sinh và cầu sẽ bị địch phá”.
“Trận đấu tăng của Đại đội 9”, được tổng kết biên soạn thành tài liệu dùng giảng dạy cho học viên xe tăng và sau này tôi còn báo cáo kinh nghiệm ở Học viện Manilốpxki (Liên Xô) - với cương vị là học viên của trường - được giáo viên và học viên bạn rất thán phục, cho đây là trận đấu tăng đạt hiệu suất cao chưa từng có.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể -
Việt Hưng ghi