Bà Vũ Thị Hảo (vợ ông Ngân) cho biết: Gia đình bà vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất số 2, Tờ bản đồ số 8, diện tích 80m2 tại thôn Trung Dương, xã Kiêu Kỵ và đã cho thuê làm quán phở nhiều năm qua…
Cầm giữ sổ đỏ không chịu trả, sau đó “lừa” thương binh cung cấp giấy tờ nhân thân của các thành viên trong gia đình rồi lập hồ sơ chuyển nhượng đất đai cho người khác. Điều đáng nói, chính công chứng viên văn phòng công chứng sau khi thực hiện thủ tục công chứng cũng có đơn trình báo tới Cơ quan Công an về việc nhóm đối tượng sử dụng giấy tờ giả để… lừa công chứng viên.
Vòng xoáy của… lừa đảo?
Trong đơn gửi Báo CCB Việt Nam, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Thanh Ngân (SN 1950), trú tại xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh: Năm 2004, ông có quen biết Võ Văn Chiến (SN 1948), trú tại Tổ 17, Khu tập thể Sài Đồng, phường Sài Đồng, quận Long Biên, T.P Hà Nội và nhờ ông Chiến dùng sổ đỏ số D659686, do UBND huyện Gia Lâm cấp ngày 10-8-2004 với diện tích 80m2 để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, do một số thành viên trong gia đình ông Ngân không đồng ý làm thủ tục vay nên việc nhờ ông Chiến làm hồ sơ vay tiền tại ngân hàng không thành. Ngày 22-9-2004, ông Ngân đến nhà ông Chiến đòi lại sổ đỏ, nhưng ông Chiến không trả lại.
Đến ngày 15-6-2005, ông Chiến viết Giấy biên nhận cầm sổ đỏ của ông Ngân với nội dung: “Anh ngân có hứa với tôi là anh có thể xin việc cho cháu tôi là Võ Quỳnh Hương ở May 10 vào làm tại Công ty sữa Vinamilk. Anh Ngân hứa vào được thì đưa cho anh 45 triệu đồng. Tôi đã đưa cho anh Ngân 15 triệu đồng trước. Anh Ngân có hứa sau 1 tháng thì xin được việc, nếu không được anh xin hoàn trả lại, nhưng anh Ngân có biểu hiện không chịu trả sau đó 6-7 tháng, nên buộc tôi phải giữ sổ đỏ của anh Ngân…”.
Trao đổi với PV, ông Ngân cho biết: Số tiền sau đó tôi đã trả được 5 triệu đồng và tiếp đó mang 10 triệu đồng đến trả nốt ông Chiến nhưng ông ấy không nhận mà “ép” tôi để ông ta giữ sổ đỏ. Sau đó ông Chiến đã dùng sổ đỏ này mang đi thế chấp vay tiền ở tiệm cầm đồ trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên lấy 300 triệu đồng. “Năm 2010, nhân viên của tiệm cầm đồ này đến nhà tôi cho biết về khoản vay và nói nếu cần chuộc lại sổ thì trả tiền… Gia đình tôi lúc này mới biết sự việc ông Chiến mang sổ đỏ đi cầm cố”.
Tuy nhiên, điều lạ nữa là, vào năm 2012, bất ngờ lại có 3 người gồm vợ chồng ông Phạm Văn Tích (Thượng tá Công an nghỉ hưu), trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên và anh Hòa, người xã Kiêu Kỵ đến nhà ông Ngân nói lý do con gái ông Ngân vay của Công ty ông Tích 400 triệu đồng, nếu muốn chuộc lại sổ đỏ thì trả ông Tích 400 triệu đồng...
“Đến năm 2017, ông Tích nhiều lần gọi điện thoại cho tôi trao đổi về việc trả sổ đỏ. Và sau đó ông Tích gợi ý, nếu không có tiền trả, thì mời tôi (ông Ngân) vào làm tại Công ty của ông Tích để có lương hàng tháng trừ dần vào khoản vay 400 triệu đồng. Ông Tích sau đó yêu cầu tôi cung cấp giấy tờ nhân thân của tôi gồm sổ hộ khẩu, chứng minh thư, thẻ thuơng binh để hoàn thiện hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, ông Tích sau đó nói là hồ sơ xin việc của tôi không hợp lệ do tôi tuổi cao, không làm được việc”. Và để làm tin trong việc cầm giữ sổ đỏ, ông Tích sau đó viết Giấy biên nhận “giữ hộ sổ đỏ” cho ông Ngân. Giấy biên nhận lập ngày 4-1-2017 cũng với nội dung ghi: “…Khi nào ông Ngân trả đủ tiền theo thỏa thuận…” sẽ trả sổ đỏ cho ông Ngân…
Công chứng viên cũng bị… “qua mặt”
Trong đơn ông Ngân trình bày: sau khi ông Tích viết Giấy biên nhận “cầm giữ hộ sổ đỏ”, bất ngờ, ông biết được tại Văn phòng Công chứng Hà Anh (có địa chỉ tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) đã tiến hành thủ tục công chứng Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số 3232/2017/HĐCN, ngày 20-11-2017, từ sổ đỏ mang tên hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Ngân sang tên cho Nguyễn Xuân Thủy, sinh năm 1983, CMND 132425807 do Công an tỉnh Phú Thọ cấp ngày 19-9-2017.
Việc thực hiện công chứng được thực hiện tại địa chỉ số 51, ngõ Tôn Thất Tùng, phường Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội). Đây là nơi làm việc của Thủy.
Ngày 21-11-2017, Phó giám đốc Sở TNMT Hà Nội - ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã ký, cấp Giấy CNQSDĐ cho Nguyễn Xuân Thủy, sau đó Thủy cũng làm thủ tục sang tên luôn sổ đỏ này cho một người khác vào ngày 29-11-2017 tại Văn phòng Công chứng Hùng Vương (Hà Nội). Tuy nhiên, ông Ngân và các thành viên trong gia đình ông cho biết không hề ai ký vào giấy tờ Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số 3232/2017/HĐCN, ngày 20-11-2017 do Văn phòng Công chứng Hà Anh lập trước đó.
Điều đáng nói, sự việc bị bại lộ, bản thân công chứng viên Văn phòng Công chứng Hà Anh là Đỗ Thị Thuận thực hiện công chứng giao dịch Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số 3232/2017/HĐCN, ngày 20-11-2017 cũng có đơn trình báo Công an huyện Đông Anh về việc nghi vấn các đối tượng dùng giấy tờ (hộ khẩu, CMND và xác nhận nhân khẩu) giả để lừa công chứng viên.
Trong đơn trình báo Công an huyện Đông Anh (đề ngày 5-3-2018), bà Thuận trình bày sự việc: “Ngày 20-11-2017, anh Vương Quang Trung, sinh năm 1979, CMND 001079003451 do Cục Cảnh sát ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư cấp ngày 9-12-2014; hộ khẩu thường trú tại thôn Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội (là khách quen của văn phòng) đến yêu cầu chúng tôi công chứng một hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Gia Lâm, Hà Nội mang tên hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Ngân, sinh năm 1950, trú tại thôn Trung Dương, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chúng tôi xem hồ sơ gửi qua email của văn phòng, sau khi nghe chuyên viên báo cáo, hồ sơ đầy đủ, chỉ vướng một Hợp đồng ủy quyền tại Văn phòng Công chứng Trần Thiết, tôi yêu cầu khách xử lý hủy Hợp đồng đó đi và hồ sơ đầy đủ tôi mới đi ký ngoài trụ sở. Sau khi xem toàn bộ hồ sơ (bản gốc các giấy tờ), tôi thấy đủ điều kiện để công chứng hợp đồng nên đã ký hợp đồng.
Tuy nhiên, ngày 2-3-2018, chị Nga (là đồng sở hữu QSDĐ nêu trên) đến xin sao lục hợp đồng và cho rằng gia đình chị ta không ký vào hợp đồng chuyển nhượng nêu trên. Tôi cho rằng, nếu đúng như vậy thì có việc các đối tượng dùng giấy tờ (hộ khẩu, CMND và xác nhận nhân khẩu) giả để lừa công chứng viên.
Vậy, để làm rõ vấn đề này tôi đề nghị CQĐT vào cuộc điều tra hành vi lừa đảo những người đã ký trong hợp đồng chuyển nhượng nêu trên” - đơn trình báo của công chứng viên Thuận viết.
Được biết, Công an huyện Đông Anh sau đó đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc dấu hiệu lừa đảo, làm giả tài liệu về Công an quận Long Biên điều tra làm rõ theo thẩm quyền từ năm 2018.
Ngày 12-7-2021, PV Báo CCB Việt Nam đến Công an quận Long Biên đăng ký nội dung tìm hiểu theo đơn phản ánh của thương binh - CCB Nguyễn Thanh Ngân, nhưng sau nhiều tháng, Công an quận Long Biên không có hồi âm.
Ngày 14-10-2021, trao đổi quan điện thoại với một lãnh đạo Công an quận Long Biên, vị này cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin và nói có người sẽ liên lạc lại…
Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.
Bài và ảnh: Doanh Chính