Phong tê thấp là bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Bệnh thường phát triển dai dẳng, triệu chứng không biểu hiện rầm rộ, chỉ thoáng qua và lặp đi lặp lại. Theo lương y Phạm Thị Giang, Giám đốc cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền bà Giằng thì bệnh phong tê thấp nếu không được chữa trị kịp thời, chữa trị không đúng cách hoặc chế độ ăn uống và làm việc không hợp lý sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Trời càng lạnh, bệnh càng phát
Trao đổi với chúng tôi về căn bệnh này, Lương y Phạm Thị Giang cho biết: “Phong tê thấp là chứng bệnh viêm dây thần kinh, viêm khớp xương hay gặp ở người trung niên và cao niên, khiến người bệnh rất khó chịu, thậm chí đau đớn. Khi đang phát bệnh, cơn đau chạy lung tung, khi thành bệnh thì đau cố định một nơi nào đó. Bệnh thường phát triển dai dẳng, triệu chứng không biểu hiện rầm rộ, nhưng tái phát nhiều lần khiến người bệnh thấy đau nhức, tê buồn xuất hiện từng đợt nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc khi sức khỏe bị suy giảm, lao động và sinh hoạt không điều độ”.
Về nguyên nhân của bệnh, người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi thì sức khỏe suy giảm, đây là điều kiện cho bệnh tái, phát. Mặt khác, nước ta nằm trong trong vùng nhiệt đới gió mùa, thời tiết nóng ẩm, áp suất không khí thường xuyên biến đổi, mùa hè nắng nóng kéo dài, mùa đông rét buốt. Đặc biệt, bệnh thường phát lên vào mùa đông giá lạnh và thay đổi thời tiết. Tiết trời càng lạnh càng đau, đau nhiều về đêm, khiến người bệnh co cứng tay chân, lao động khó khăn.
Theo y học cổ truyền, chứng bệnh này do phong tà, nhiệt tà, thấp tà, thoái hóa xương khớp, gai đôi xương khớp, lắng đọng các axit uric và thấp nhiệt gây nên, được chia ra làm các thể phong thấp, hàn thấp và tê thấp.
Thể phong thấp, người bệnh thường thấy các khớp đau nhức lan từ khớp này sang khớp khác, khó cử động, toàn thân mệt mỏi, buồn bực, chỉ muốn nằm.
Thể hàn thấp, người bệnh có chứng đau cố định ở một khớp hoặc nhiều khớp, càng mùa đông, thời tiết lạnh càng đau.
Ở thể tê thấp, người bệnh đau nhức nặng nề, da thịt tê bì, đi lại chậm chạp khó khăn, đau dai dẳng, nhận biết cảm giác bị giảm. Nếu bệnh nặng có thể bị tê liệt một bên cơ thể ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, vận động của người bệnh.
Biểu hiện của bệnh phong tê thấp chủ yếu là buồn, nhức, mỏi, cắn rứt trong xương, không hoạt động, không di chuyển, đi lại vẫn thấy mỏi. Thường thể hiện dưới các dạng cụ thể như: Đau mỏi lưng, đau thắt lưng; đau cổ, đau vai gáy; đau nhức xương, mỏi, tê, buồn chân tay; bệnh thấp khớp; thoái hóa cột sống, thoái hóa đốt sống cổ; đau thần kinh tọa.
Phòng và điều trị phong tê thấp?
Để phòng tránh bệnh, cũng theo Lương y Phạm Thị Giang, cần ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, giữ gìn sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt vào mùa đông cần giữ ấm cơ thể. Nên ngâm gừng và xoa bóp đều đặn vào gan bàn tay, gan bàn chân khi thời tiết thay đổi và trời trở lạnh.
Khi đã mắc bệnh phong tê thấp, tùy từng giai đoạn để trị bệnh. Bệnh nhẹ cần phải điều trị ngay, tăng cường tập luyện, giữ gìn sức khỏe, xoa bóp thường xuyên và dùng thuốc đặc trị.
Trong dùng thuốc, đối với tây y, điều trị phong thấp thường sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau là chủ yếu. Các loại thuốc này có thể nhanh chóng cắt cơn đau nhưng không điều trị được tận gốc, bệnh đến đâu chữa đến đó. Đối với đông y thì đi tìm căn nguyên gây bệnh để điều trị nên chữa tận gốc. Từ xa xưa, các vị thuốc như mã tiền, đương quy, đỗ trọng, ngưu tất, quế chi, thương truật, độc hoạt, thổ phục linh... đã được các thầy thuốc đông y sử dụng hiệu quả và đánh giá cao trong việc chữa phong tê thấp. Mã tiền có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống, mạnh gân cốt, đau khớp cấp và mãn tính, đau gân cơ; đương quy giúp bổ huyết, hoạt huyết, nhuận tràng, thông tiện, thiếu máu, táo bón, đau cơ khớp do ứ huyết; Đỗ trọng bổ can thận, mạnh gân cốt, đau lưng, mỏi gối, đau nhức xương…Chữa bệnh theo Đông y còn có ưu điểm là không gây ra tác dụng phụ, không nhiễm độc, lại rẻ tiền, đúng bệnh thì rất nhanh khỏi.
Vũ Ngọc Minh