Thời của chúng tôi, thi vào được đại học là cả một vinh dự, một niềm vui to lớn của bản thân, gia đình và dòng họ. Bà con lối xóm đều lấy gương học tập của chúng tôi cho các lớp đàn em, con cháu noi theo. Một tương lai rộng mở cho chúng tôi, bởi môi trường đại học sẽ rèn luyện về mọi mặt; cố gắng học để lập thân, lập nghiệp sau này…

Nhưng chuyện thi, xét tuyển vào đại học bây giờ trở nên quá dễ dàng; miễn là có học lực trung bình cũng “đủ sức” bước vào giảng đường đại học! Theo báo Tuổi trẻ (ngày 11-5-2023), việc xét tuyển đại học mỗi môn 5 điểm là đậu đại học! Mà học bạ bây giờ lại quá đẹp, toàn điểm tổng kết cao chót vót; từ 8.0 trở lên, toàn là giỏi, rất ít khi “bị” khá; loại trung bình càng tìm không ra!

Học đại học với ý nghĩa chân chính là niềm mơ ước của mỗi học sinh, của mỗi gia đình. Chọn một ngành đúng theo sở thích, năng lực; tiếp thu kiến thức cần thiết, cơ bản sau mấy năm học để bước vào đời tự tin hơn, vững vàng hơn.

Nhưng nhiều trường đại học hiện nay muốn thu hút người học bằng những “chiêu” hấp dẫn; trong đó có việc xét tuyển bằng học bạ của thí sinh. Chuyện “làm đẹp” học hạ đã đề cập nhiều trên công luận nhưng xem ra vẫn không thể nào ngăn ngừa được các trường vì “thương” học sinh nên sẵn sàng nâng điểm, “cấy” điểm vào dịp cuối năm học.

Thế là các em ung dung bước vào cổng trường đại học để học (học…đại khái), nhưng học được 1 năm thì cảm thấy không kham nổi chương trình (vì có đủ năng lực thật sự đâu) nên đành phải nghỉ giữa chừng; chờ năm sau chọn ngành, chọn trường khác!

Điều này xảy ra rất nhiều, chứ không phải trường hợp cá biệt. Vừa mất thời gian, vừa tốn tiền học nên các em, gia đình cũng chẳng lấy gì làm vui …

Phải như suy nghĩ thật kỹ càng: năng lực mình tới đâu, chọn ngành nghề gì phù hợp; học nghề  thì chọn nghề nào; điều kiện kinh tế gia đình ra sao…thì mọi chuyện sẽ khác. Bởi các trường một khi đã “tạo điều kiện” đủ thu hút nhiều sinh viên càng tốt vì mức học phí cứ “tăng dần đều” hàng năm, không thấy giảm học phí bao giờ!

Bản thân các em là người quyết định vì mình tự hiểu mình; không ai hiểu mình bằng bản thân. Năng lực mình có không? Mình đam mê nghề gì? Khả năng tiếp thu nếu học nghề mình chọn?

Nếu cánh cửa đại học khép lại thì cánh cửa học nghề mở ra cho mình, không có gì phải buồn cả! “Một nghề cho chín hơn chín mười nghề” hoặc “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” như cha ông ngày xưa đã đúc kết.

Rất nhiều nghề, công việc mà xã hội rất cần, chỉ sợ các em không có nghị lực, không đủ can đảm, xóa bỏ mặc cảm để học nghề! Có một nghề để nuôi sống bản thân, để tiếp giúp gia đình là niềm mong ước trong tầm tay đối với những học sinh giàu nghị lực, giàu ý chí vươn lên…

Không nhất thiết học đại học với “học bạ mỗi môn 5 điểm” vì các cơ sở tuyển sinh để thu học phí là chính; còn học được hay không, ra trường tìm được việc làm hay không thì “xem hồi sau sẽ rõ”!

                                                                                      Lê Lam Hồng