
Ngay từ thời kì đầu, khi đất nước ta từ cơ chế bao cấp chuyển sang giai đoạn kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ông Tân đã được biết đến như là một trong bốn người của cả nước có ý thức vươn lên để làm giầu. Trong khi chờ nghỉ mất sức (1987), ông Tân đã tính ngay chuyện làm kinh tế. Với ý thức vươn lên làm giầu, ông đã thu gom tái xuất khẩu thép phế liệu và đã trở thành nhà “triệu phú” trong thời gian ngắn, có những lúc hàng của ông xuất trị giá lên tới hơn hai triệu USD.
Thế nhưng, trong làm ăn không phải lúc nào cũng xuôi chèo, mát mái và ông đã rơi vào tình cảnh sau hơn 10 tích lũy lại trở về với hai bàn tay trắng. Ý thức được điều đó, hơn nữa cơ hội vẫn còn nhiều, đâu phải hết cách, ông Tân cũng không thanh minh cho việc “bị nạn” của mình. Đầu những năm 2000, ông ra Quảng Ninh, tìm hướng làm ăn mới. Tìm hiểu thị trường, thấy mặt hàng vật liệu xây dựng có nhiều tiềm năng và khả quan, nên ông đã quyết định vay mượn vốn để đầu tư vào khai thác mỏ đá. Thiết bị dây chuyền sản xuất của ông Tân ngay từ thời kì này đã khá hiện đại. Một lần nữa ý chí làm giầu của ông đã thành công. Năm 2005, Công ty cổ phần Phương Nam do ông Lê Đình Tân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc (Uông Bí, Quảng Ninh) đã thực sự đứng vững trên thị trường và không ngừng phát triển. Hiện nay, Công ty Phương Nam có khá nhiều mỏ đá, theo dự tính, số mỏ để phục vụ sản xuất của công ty có thể lên tới 50 năm.
Ông Tân tâm sự: “Tôi nhập ngũ tháng 6-1974, ở trung đoàn 3, thuộc Quân khu 3. Vào quân ngũ được một thời gian, tôi được cử đi học trung cấp công binh. Chính nhờ có chút kiến thức về công binh cho nên tuy lần đầu gọi là thất bại làm ăn đối với mặt hàng xuất khẩu sắt phế liệu, tôi tính ngay đến chuyện sản xuất hàng vật liệu xây dựng…”. Say sưa nghe ông kể chuyện, tôi càng thấy khâm phục ý chí làm kinh tế và dường như nghiệp làm kinh tế đã ngấm vào máu thịt của ông vậy. Đặc biệt, tôi thấy ông kể rất vô tư, điềm đạm, toát lên vẻ khiêm tốn, pha chút dí dỏm.
Khi được hỏi thành đạt như vậy, thì công tác xã hội của ông thế nào? Ông Tân nhẹ nhàng cho hay: Hiện nay tôi là Ủy viên HĐND xã Phương Nam, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; đồng thời là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Uông Bí. Về công việc từ thiện, tôi tham gia đóng góp có trọng điểm, không làm tràn lan. Tôi nghĩ, đã làm là phải làm có hiệu quả và mang tính lâu dài. Do vậy, tôi đã xây dựng Hội Doanh nghiệp, nhằm đào tạo bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh và quản lí kinh tế ở tỉnh Quảng Ninh, đồng thời tài trợ thường xuyên cho một số cán bộ, nhân viên đi học tập ở nước ngoài để nâng cao kiến thức, vận dụng trong công việc của minh. Hiện nay, công ty của ông Tân có hàng trăm công nhân, rải rác nhiều mỏ ở một số tỉnh phía Bắc. Để tăng phần trách nhiệm, đồng thời để nâng cao đời sống và cũng là một nét độc đáo trong đổi mới tư duy đối với người lao động, công ty đã thực hiện cổ phần từng công việc, từng thiết bị… Theo đó, thu nhập người lao động ở Công ty Phương Nam khá cao, ít thì bảy triệu đồng, nhiều thì lên cả gần trăm triệu đồng.
Là người Hà Nội, nhưng ông Lê Đình Tân lại thành đạt về sản xuất kinh doanh ở các địa bàn xa Thủ đô. Ông quả là một người lính táo bạo trong làm kinh tế.
Trà Hương Ly