Quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới vừa quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng thiết yếu này. Quyết đình này chắc chắn sẽ gây ra xáo trộn mạnh trên thị trường gạo nói riêng và lương thực nói chung khiến các quốc gia nhập khẩu gạo quan ngại. Ấy nhưng, dù quan ngại đó là gì thì họ cũng phải cảm thông với quốc gia đông dân thứ hai thế giới khi họ phải lo cho chính mình trước.
Theo quyết định mới được ban hành, Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu khác, trong bối cảnh nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang nỗ lực tăng nguồn cung và ổn định giá gạo trong nước. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 9-9-2022.
Các chuyên gia cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ sẽ khiến giá lương thực toàn cầu leo thang và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực trên thế giới, giữa bối cảnh giá lương thực đối mặt với sức ép gia tăng do tác động của xung đột Nga - Ukraine, hạn hán và nắng nóng. Đó là dự đoán không thể sai của các chuyên gia bởi Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trước khi có quyết định trên, Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia, chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ chạm mốc kỷ lục 21,5 triệu tấn, nhiều hơn số gạo xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cộng lại (Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Mỹ).
Thống kê cho thấy, lượng mưa dưới mức trung bình ở các bang sản xuất lúa gạo chính như Tây Bengal, Bihar, Uttar Pradesh đã ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng gạo của Ấn Độ. Trong năm nay, Ấn Độcũng cấm xuất khẩu lúa mỳ và hạn chế xuất khẩu đường để tự đảm bảo nguồn cung cho chính mình.
Nam Long