Báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế 2015 được Liên hợp quốc công bố vào cuối năm 2014 đã đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng trong hai năm 2015-2016, bất chấp những tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính, thách thức địa chính trị toàn cầu. Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3,1% trong năm 2015 và tăng lên 3,3% trong năm 2016. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, vì thế khi kinh tế thế giới tăng trưởng sẽ là tiền đề, là cơ hội để kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân trước thềm năm mới Ất Mùi, GS, TS Vương Đình Huệ cho rằng, năm 2015 có nhiều yếu tố để tạo ra sự bứt phá cho kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, năm 2015 là năm cuối cùng nhiệm kỳ, được nhiều địa phương xác định là năm “chạy nước rút để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau”.
Người Việt mình khi mà chạy nước rút cũng đáng nể. Thứ hai, năm 2015 sẽ kết thúc triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại. Thứ ba, trong năm 2015 có nhiều đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực thi hành như: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi)… Các luật này đều liên quan tới thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ làm nên sức sống mới cho nền kinh tế.
Một yếu tố quan trọng nữa là Chính phủ đã và đang thực hiện cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế, hải quan, đất đai, xây dựng…
Tiến sĩ Nghiêm Văn Bảy, giảng viên Học viện Tài chính, phân tích: Nhiều điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và năng lượng được chúng ta khai thông trước thềm năm mới Ất Mùi sẽ tạo ra xung lực mới cho nền kinh tế. Trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên, đại lộ Võ Nguyên Giáp (nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài), nhà ga T2 sân bay Nội Bài, cầu Năm Căn, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây…
Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015 là rõ nét và vững chắc. Sản xuất và tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2015 của cả nước tăng cao, tới 17,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 1-2014 và mức tăng bình quân các tháng năm 2014. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia khẳng định, dự báo tốc độ tăng trưởng quý I-2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,2% là khả thi.
Giáp Tết Ất Mùi, hãng kiểm toán Pricewaterhouse Coopers (PwC) đã công bố báo cáo về dự báo phát triển kinh tế thế giới giai đoạn 2030-2050. Trong đó hãng này tuyên bố đến năm 2050, Việt Nam sẽ nằm trong số 22 nền kinh tế có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất tính theo cân bằng sức mua. Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 32 về xếp hạng GDP theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cùng với Ni-giê-ri-a, Việt Nam được xem là nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất từ nay tới năm 2050. Với đà tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam sẽ đứng thứ 28 vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam năm Ất Mùi cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mở, tăng trưởng phụ thuộc vào giá trị xuất nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu 91,2% là tư liệu sản xuất, nên nếu giá cả thế giới biến động lớn sẽ ảnh hưởng đến nước ta. Trong năm 2015 và những năm tiếp theo, khi chúng ta tham gia vào Cộng đồng chung ASEAN, có sự cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp trong khối ASEAN. Cầu nội địa vẫn còn yếu. Cán cân thương mại tuy thặng dư song chưa bền vững. Năng suất lao động Việt Nam còn thấp. Giá dầu xuống thấp vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho kinh tế Việt Nam…
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Theo QDND